Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

GIẤC MỘNG LÀM THƠ


Giấc mơ đừng đánh thức thương yêu
Em ngoan nhé, cánh đồng vừa đi ngủ
Bãi xe bò hoang vu em đốt lửa
Vòng tròn xoay xô mộng mị qua đời

“Mẩu bánh- Cà phê- Bút vẽ - Nụ cười
Câu thơ hát những lời trong ánh sáng
Floramisu cớ gì quên thinh vắng?
Chuyện tình nào cũng thấp thoáng dòng sông

Ồn ào ơi, nhắc cây cầu phía đông
Giữa nơi ấy gió đôi dòng gặp gỡ
Vì đường xa hay lưng trời rạn đỏ
Sao khói dâng ngợp mắt chiều đầy?

Giấc mơ đời đâu giống những chuyến bay
Thiên di mải tung cánh về phía nhớ
Đâu kịp thấy con cừu sau thùng gỗ
Giới hạn mình trong trí nhớ ngủ say.

Ngủ ngoan nào, dòng thư viết trao tay
Cũng biết khóc cho người- quên- về- lại
Môi vun vén cho mùa- không- mãi- mãi
Em ngủ ngoan, đừng nhắc nữa những lời…”

Giấc mộng làm thơ
Giấc mộng qua đời
Dung dị như tiếng kệ “nam mô… đà phật”
Tràng hạt sóng soài sân si đời duy nhất:


Thành phố nằm nghiêng, mộng có nằm nghiêng?

4 nhận xét:

  1. Cách mùa đông hai giờ bay

    Nguyễn Ngọc Tư



    Bằng hai vòng quay của chiếc kim đồng hồ gầy,

    bằng buổi cà phê sáng,

    cuộc tranh cãi vu vơ của những người say…



    cách mùa đông hai giờ bay

    đôi lúc ngủ ngày cũng lâu chừng ấy

    nào đâu xa mấy – (tự dỗ mình)

    tôi vẫn chạm được mùa khi nhắm mắt,

    trong ánh sáng khép chặt,

    trong bóng tối trong vắt

    như trong một ngày ướt rượt gió mùa đông bắc

    tôi học cách nhắm mắt nhìn đời từ người hành khất mù,

    với cây sáo nghèo khàn tiếng

    trên môi tắt khúc nhạc cuối cùng ông lần về căn chòi nhỏ ở bãi sông

    rét vét trơ lòng

    đi trong thứ ánh sáng chỉ mình ông biết

    gởi lại một lời giã biệt, “cô gái, cô còn trẻ, sao lại buồn ?”

    Tôi mặc bảy áo cười ba áo tươi vui

    Sau phút ấy thấy mình trơ trụi



    Nắng thì lạnh

    Nhựa trong cây héo khô từng giọt cuối

    những chiếc lá cuối lỡ tay đánh rơi mình

    Lúc rời cành vô tình chạm nhau trên đường bay

    Chới với

    (tôicó lần cũng chông chênh như thế

    lúc gặp người

    hợp giữa tan

    gặp khi lìa

    người tri âm đó, coi kìa…

    buồn chưa !)



    Cách tôi hai giờ bay

    Những người già bán lửa bên đường, rất rẻ

    Cốc nước chè nhen ấm trên môi

    lòng tay nhỏ thở khói ngùi ngùi

    có chát nào ứa trên cánh mũi

    có đắng nào tươm trên đầu lưỡi

    bà già cười, chậm thôi con sẽ cảm thấy ngọt bùi



    Cách tôi hai giờ bay

    Chuyến xe buýt tàn ngày chở sương giá dừng nơi trạm cuối

    Khách liêu xiêu đội rét vào trong ngõ

    dưới những mái nhà lô xô xanh đỏ

    giây phút này

    người đang cùng với ai…



    Cách mùa Đông hai giờ bay…

    (nấu một bữa cơm, cũng từng thời gian ấy…)

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng hôn rộn rã

    Nhiều khi bạn thấy nhớ những buổi chiều…

    Bạn kéo cái ngăn nhớ đó ra, tức thì nghe tiếng con gà mái mẹ la ó ré khi mình nhấc nó vào cái cà vung độn rơm, tụi gà con còn đứng bên ngoài kêu chíp chiu nháo nhác. Mấy con gà lớn hơn đập cánh lạch xạch bay chập chõa lên nóc nhà củi, bầy vịt quế về chuồng lạch bạch tới rúc mỏ vô cái máng đổ xem xép lúa lép . Chạng vạng ở nhà ngoại còn có tiếng con bìm bịp rười rượi kêu nước, tưởng tượng, tiếng con chim này làm tan chảy cả đá chớ không phải chơi.

    Bạn có hơn ba ngàn chạng vạng trong đời ướt rượt những âm thanh quen thuộc đó, làm bao nhiêu chuyện đó. Hốt ổ gà, châm dầu đèn, gom củi, lấy mớ quần áo thơm bừng nắng trên sào vào nhà… Hôm nào bạn cũng cố làm cho sớm, để ba chân bốn cẳng chạy đi chơi với tụi bạn, nhưng trời còn nắng thì mẹ con gà còn lang thang đi chơi trong vườn. Đành chờ mặt trời khuất vậy, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, bên xóm có bầy con nít đang giỡn hớt om sòm.

    Và khi tiếng kèn kẹt của những cái cửa sổ lá sách khép ngày, là cả nhà bạn sum vầy. Anh chị bạn tan trường đạp xe vẹo sườn rẽ vô lối nhỏ lót bằng đá chẻ. Má về khi cửa trước lúc cửa sau, tùy bữa đó má đi ruộng hay bơi xuồng tới nhà máy chà gạo làm bạn hàng xáo. Ba vào nhà chỉ một cửa sau, quần cộc ướt mèm vì tưới rau, cuốc đất. Ông đi tới đâu để lại trên nền đất cứng quèo những dấu chân sũng nước chèm nhẹp tới đó. Rồi mấy cái chén úp trên giàn xốn xang chạm vào nhau. Chỉ buổi cơm tối trễ tràng này là đông đủ tiếng đũa khua.

    Có lẽ những chạng vạng năm xưa neo cặm vào lòng bạn bởi sự đầm ấm đó. Của cảnh, vật và người. Của một thời chưa biết khăn gói lang thang, đi tới những chân trời xa lạ. Chiều muộn giờ có khi bạn đang ở một miền đất xa xôi nào đó. Hoang mang. Chông chênh. Xớ rớ. Ăn ở quán đông người say, sợ. Ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, sợ. Gặp những ánh nhìn đăm đăm của người lạ, sợ. Và chạng vạng ngơ ngác mon men theo sau tiếng lục lạc lanh canh của những đàn bò vừa đủng đỉnh rời sườn núi, bạn thấy nhớ nhà. Nhớ như người xưa nhớ đến bật ra lời hát, “chiều chiều chim vịt kêu chiều/Ngó về quê mẹ chín chiều ruột đau”. Thời khắc này đã được bạn đổi tên là buổi nhớ nhà mất rồi, hành trình đến tên gọi mới mất mười lăm năm.

    Bạn nghĩ có thể bạn tiến hóa từ chim hay gà, nên chạng vạng là bạn muốn về nhà, về tổ. Mấy triệu năm rồi, duy nhất và độc nhất vẫn còn sót lại bản năng này. Khao khát bầu trời nhưng đồng thời cũng nhớ thương tổ lá tổ rơm tổ cỏ.

    Nhưng buổi nhớ nhà, buổi sum vầy đôi lúc không còn ý nghĩa như tên gọi, bởi những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, những mối quan hệ phức tạp. Chiều muộn giờ là cuộc gọi ngắn ngủi, “tôi đi nhậu cùng mấy đồng nghiệp, khỏi đợi cơm…”; là tin nhắn lạnh lùng trên điện thoại di động, “em ăn tối với khách ở xa”; hay một mẫu giấy phất phơ trên bàn, “con đi sinh nhật bạn, chắc về khuya, đừng chờ cửa…”.

    Cái bản năng không bị mấy triệu năm tiến hóa làm mai một, đôi khi biến mất vì những cách giản dị đơn điệu không ngờ. Nhanh như trở bánh phồng. Chạng vạng đứng bên ngoài những ngôi nhà khép cửa và khóa trái, chạng vạng nghe như ai gọi nó bằng cái tên tan tác. Hai mươi năm, tính ra cũng không dài cho những cuộc đổi thay…

    Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa…

    Nguyễn Ngọc Tư

    Trả lờiXóa
  3. Đổi cả thiên thu…


    Bạn đi chợ về, thấy cửa sổ mở tung, là biết ba bạn vừa ghé qua nhà. Dấu vết của ông già đây : mấy bóng đèn điện chong chỗ bàn thờ thần tài và hồ cá kiểng đã bị tắt, cái quạt hút cũng ngừng quay. Và cửa sổ thông thống gió trời, mang vào nhà nắng sáng, không khí mát lành cùng bao nhiêu là bông sậy chín.

    Lần nào ba bạn ghé qua thì cũng làm bao nhiêu chuyện đó, cùng với một nắm càm ràm, sao mà tụi bây xài phí… Bạn cười, có bao nhiêu đâu mà ba cứ cằn nhằn… Cả nhà bạn cũng nghĩ vậy, trả mươi ngàn cho một vài kí điện thì đáng gì. Ông già chậm rãi nói, tiết kiệm đâu có gì là xấu, phải biết chắt mót cho con cháu sau này… Khi đó, bạn đã tưởng ba nói đến tiền bạc, nhưng dường như không chỉ vậy. Cho đến tối nay, khi người biên tập viên chương trình thời sự trên ti vi khép lại chuỗi tin bão lũ cuối ngày, bạn bỗng nhận ra ba mình kêu dành dụm những thứ hơn cả tiền, những thứ có bao nhiêu tiền vẫn không mua lại được, một khi đã bán đi rồi.

    Và sự thật đã có những cánh rừng, những con sông… đâu đó trên đất nước này bị xẻ mảnh, ngắt khúc bán chác, bị biến đổi thành một món hàng mà ai cũng cần : điện. Cuộc mua bán đó bạn cũng có phần, là làn gió mát từ cánh quạt xoay, là ánh sáng bừng lên đến từng góc nhà, là những cái máy biết vâng lời sau mỗi lần nhấn nút, chúng nấu cơm, giặt sạch áo quần, làm nước nóng lên hay đông lại thành viên đá nhỏ… Đã từng chổng mông thổi lửa nấu cơm khói cay xè gian bếp, từng học bài, khâu áo trong ánh đèn dầu tù mù đỏ nhói, từng ngủ hàng ngàn giấc đẫm mồ hôi…nên điện là món hàng bạn sẵn sàng mua mà không mảy may đắn đo nghĩ ngợi. Dù đôi khi cầm hóa đơn mua điện trong tay, bạn cũng bắt chước người ta dèm pha, “mấy ông nhà đèn sướng thiệt, mua một bán mười, chặn sông làm năm bảy khúc, nước trời có sẵn chảy tới đâu điện… tuôn ra tới đó mà lại bán buôn đắt đỏ…” nhưng bạn biết, bạn cần món hàng này biết bao nhiêu, bạn muốn có nó dù đắt đến đâu. Như con nghiện vậy…

    Giờ thì bạn biết món hàng này đắt đến nỗi dường như bạn không thể trả nổi, và nợ nần chồng chất thêm sau mỗi cơn giận dữ của thiên nhiên. Lần đầu tiên trong cuộc đời, bạn bật công tắc đèn, nghe sợ. Đèn này thắp sáng trong vòng một giờ bạn sẽ phải trả khoảng ít ngàn đồng, không biết người ta có để dành một phần nào bù đắp lại cho những vùng đất khát khô kiệt quệ, những vùng đất chìm trong biển nước, những khu rừng đã mất, những dòng sông đã chết… hay quên mất ? Và những con người đã chết hoặc vì bão lũ hoặc vì đói nghèo, hơi thở họ là vô giá, làm sao tính được vào những hóa đơn ? Vì vậy mà người ta đã gạt những sinh mạng đó ra ngoài cuộc bán mua này, coi như không có ?

    Những ngày này đọc đâu đó, nghe đâu đó cụm từ “con người đang trả giá…”, nhưng chính xác ai trả giá ? Câu trả lời có vị chát : người nghèo. Còn những kẻ trực tiếp xẻ sông, san rừng, phá núi núp trong những tòa nhà cao, kín đáo… họ không bị làm sao hết, không cái gì ngăn được họ làm giàu và mưu tính để giàu thêm thêm thêm nữa. Dù đổi cả thiên thu…

    Ờ, đổi cả thiên thu, mà vẫn họ vẫn thiếu thiếu sao ấy, bạn nghĩ vậy, thiếu cái gì thì bạn vẫn đang nghĩ thêm, để tìm những từ ngữ ít phũ phàng hơn sự thật. Nhưng chắc chắn là nhà họ thiếu một… ông già giống như ba bạn. Một ông già nghèo mà mẫn tiệp, đi đến đâu đánh thức những cái đẹp thẳm sâu, những cái đẹp bị vùi lấp, bị từ bỏ. Cả những thứ vô cùng bình thường như gió mát, nắng sớm cũng được ông già mời gọi nâng niu, bởi chúng làm người ta trong trẻo và thanh thản. Hơn hết, ông nhắc dành phần cho con cháu, dạy bạn biết sợ khi vui trên nỗi đau người…

    Nguyễn Ngọc Tư

    Trả lờiXóa
  4. Vừa hết...


    Những ngón tay nói lời câm lặng,
    Những ngón tay gật đầu câm lặng,
    Những tin nhắn làm nên câm lặng
    cuộc gặp nhau…
    (và những lời yêu thương đã lâu không nói qua đôi môi,
    Thời của những ngón tay nói,
    Thời điện thoại nhận được nhiều âu yếm, hơn người)

    chỗ ngồi quen, thuộc lòng từng mảng vôi rơi khỏi những bức tường chết sững
    vôi mồ côi, vôi lạc loài
    quán đủ nhỏ
    người đủ đông,
    bạn bè đủ mặt
    khói thuốc đủ cay vai áo
    chỉ không đủ lời để thành lời,
    không đủ cười để thành vui

    bạn chìm vào ghế rất sâu
    bạnchìm trong giấc không màu,
    Mắt tìm một chỗ đậu cứ trượt mãi trên rêu, trên khói

    Buổi sáng thứ một ngàn năm trăm mười hai,
    bạn bè lại gặp nhau và chào nhau
    nắng lên trong suốt,
    lúc ra về chớm hỏi, tối qua có ai say ?
    chới với câu rơi phía gót người...

    Mắt đã rêu lâu quên chạm mắt
    Tay đã rêu lâu quên chạm vào tay
    Cà phê sáng nay
    (như cuộc đời)
    không dấu vết
    tiếc nuối
    tiếc nuối
    tiếc nuối
    cũng vừa tan khi đến cỗng nhà…

    Sương mù


    Chân lý ngủ mê,
    vào cái ngày sương mù ấy
    lá đang xanh hay đã phai màu ?
    hoa bạc đầu hay sắc tím vẫn nhói sâu ?
    Đường thăm thẳm vô biên, hay đường chỉ năm ba bước ?
    Mây lang thang trên vai, hay không bao giờ ta tới được trời cao ?

    Mắt tôi vừa rụng giọt sương
    hay nước mắt cất lời ?
    Người còn ở bên tôi
    hay người để tình trôi ?
    Thênh thang thênh thang sương rơi,
    thế giới còn có người ?

    Những câu hỏi liêu xiêu hư thực,
    trong ngày sương thức giấc,
    ôm vào lòng nó sự thật giống như sự thật

    Tin còn có vành tai, nhờ lạnh buốt
    Tin còn có bàn tay, vì lạnh buốt
    Mặt trời ơi mặt trời ơi,
    cũng có khi tôi nhớ người…



    Nguyễn Ngọc Tư

    Trả lờiXóa