Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Tập hát.

Cuối năm. Phố xá đã dào dạt mùi hương mùa cũ. Mình cứ như con ngố, lang thang hết mọi tầng trời này nọ mà không chịu dừng chân đậu lại nóc nhà thờ. Con sẻ chíu chít bay đi, để lại trên tay mình, bóng của bức tường rêu đổ nghiêng. Ướt mặt.

Thêm một học kì nữa sắp qua đi.

Mấy hôm này, dở hơi cắt xấp vải caro màu tím than thành mảnh vụn, đinh ninh rằng mình sẽ tỉ mẩn ráp nối cho kịp chiếc váy đi Hà Nội. Mà không, mọi thời gian sót lại sau các cuộc hẹn hò abc xyz, mình ngồi học hát :)
Cả thế giới như vỡ đôi. Không phải vì giọng dở kinh dị, mà vì... quá kinh dị :)

Hơi ngắn, giọng cao hơn lẽ thường nửa cung, có chỗ nốt trầm hát vụng về như người đụng đến đâu là đổ vỡ. Nhưng hay một chỗ là mình chỉ hát khi đi đường rất gió, hoặc thầm thì tự sự khi ngồi tịnh lặng một mình.



Chuẩn bị đi Hà Nội. Mình nói với Vũ là sẽ giữ tim nguyên vẹn khi quay về. Nhưng mình không chắc, hoàn tòan không thể chắc chắn ở điểm này. Các chàng Hà Nội thường quyến rũ lắm :).

(Hay mình sẽ hát cho các chàng ấy nghe ha!)

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Từ "Những lá thư bay lên"

Xin phép, mình đặt tạm các lá thư (từ http://www.lethuydzung.blogspot.com) lại đây, để nhường đất viết nhiều hơn về chuyện "Làm sao kiếm tiền hoài hoài?" :)

Đôi dòng.

Lúc này là nửa đêm.

Mưa mùa hè líu ríu trên hàng hoa sữa đã bắt đầu tập toẹ mùi hương. Thứ ám ảnh kì lạ này làm tôi bị đau bụng. Thật ngộ, vấn đề của tâm lí chuyển đổi được sang rắc rối vè thể chất luôn đấy.

Có lẽ là quả đất nhỏ xíu này sẽ có một con mèo mê rock tới nghẹt thở.

Vừa mới đây nghe tin Bức Tường trở lại, và được thưởng thức vài bài The Green cover, bắt đầu thấy những tín hiệu lạc quan cho rock Việt.

Cơn nóng sốt làm tôi có cảm giác như mình là một con khủng long phun lửa. Và muốn hét lên ầm ĩ bài ca về cuộc đời, về tuổi trẻ, về thân phận con người và đôi câu về tình yêu chẳng hạn.

Náo động.

Người trong thành phố thường ngúng ngẳng khi mưa hè xôn xao xôn xao. Bắt lấy chuyến bus về với thị trấn và con đường hai hàng cây xanh rì rì lá. Thôi đành vậy với lòng này...

Người nghệ sĩ mê mải hát từ dạo cùng ngồi với nhau bên vỉa hè cà phê. Cậu kể cho mình nghe những bài ca từ "Chàng gù ở nhà thờ Đức Bà" đến "Cuộc sống thành thị". Bắt đầu là âm nhạc, sau đến ngôn từ, rồi cái nhíu mày, mím môi, bật giọng, cổ ngân nga, nghệ thuật hiển hiện trong tôi như một thánh đường không biên giới, không khổ đau, không cả những mất mát và tị hiềm. Mắt tôi ngước về phía lũ chim sẻ đang huênh hoang về mùa hè và những cơn mưa. Và bỗng nhiên tin vào điều chàng nghệ sĩ hát: Chúng ta, rốt cuộc, cũng chỉ là những kẻ cô đơn.

"Hoàng tử Bé" thường là cách để tôi thanh lọc lại lòng này. Nhớ bông hồng và con rắn. Chúng quẫy trong giấc mơ tôi về những định mệnh gặp gỡ không nói trước. Nhưng hết thảy đều không thể vắng thiếu trong cuộc đời mình. Để một lúc nào đấy, khi tôi ngồi dựa lưng bên gốc xà cừ vội vàng tiếng lá, gật đầu chấp thuận: Mình, rốt cuộc, cũng là một kẻ cô đơn.

Khi dẫn cậu đi trên đường Nguyễn Du, tôi ca lên ầm ĩ bài hát về một thời say mê: "Có tự bao giờ hàng me xanh ngắt mà nay đứng đó cho em làm thơ?". Rồi không hiểu được lòng mình dung dăng dung dẻ nên tôi mạo muội hát cùng nghệ sĩ "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa". Nghệ sĩ cười, ù té chạy.

Bồng nhiên tôi nhớ Hà Nội và phố Đinh Lễ. Dọc dài con đường chúng tôi đã bước đi cùng nhau, lề phố in giúp tôi dáng người vững chắc của tuổi trẻ và bình yên, tôi bằng lòng với cuộc trường chinh nhiều hứa hẹn phía trước. The principle of reasons. Hoa hồng nở vì nàng ấy nở. Và mọi điều vốn thế sinh ra.

Thường thì vẫn thế. Con người sao trốn tránh được nỗi cô đơn, nhất là tuổi trẻ. Nên đành vậy, chúng ta cần đối mặt với chính nó trong sâu thẳm lòng mình. Có khó gì đâu? Hất mặt và nheo mắt xem nào. Rồi khi mùa hạ cuối cùng qua đi, tiếng hát nằm lại bên bờ hồ ngập đầy xác hoa sen trắng, chúng ta lại tìm thấy nhau trên nẻo đường này.

Và cảm giác một ngày nào đó, chúng ta bất ngờ nhận ra nhau mới thật xúc động chứ! Tim đang rưng này. Mắt đang biếc này. Và tiếng hát, tiếng hát nữa, sẽ vút qua ngọn me đường Nguyễn Du trôi về phía Nhạc viện. Cuối con đường đó, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau.

P/S: Xin cám ơn cuộc đời với những chặng đường thú vị. Con người thú vị. Và khoảnh khắc tim rung lên cũng là lúc tôi ý thức được mình cần được chở che và yêu thương xiết bao. Tôi thật người biết bao. Và nàng con gái trong tôi đã dóng lên nhu cầu đòi hỏi được chăm chút và lo lắng cho người khác. Xin bắt đầu bằng chuyện viết những lá thư. Những lá thư không đề tên tuổi. Để gửi đến vô cùng niềm thương mến. Và mọi điều vốn thế sinh ra.

Chuyện cuốn phim cuộc đời.

Sau khi đọc được "Thư gửi cho người thi sĩ trẻ tuổi" của nhà thơ Đức (không nhớ nổi tên), tôi nhận ra rằng, ngôn ngữ không nên chỉ trưng dụng cho chuyện tình yêu đôi lứa đơn thuần. Hãy để nó nói lên những điều nằm sâu trong chuyện kể. Một mạch máu đang sưng. Một tiếng ly bị vỡ đôi và nằm khóc thút thít trên sàn nhà. Hay một tiếng hắt hơi nhắc người đừng quên bẵng chẳng hạn.

Khi cuộc sống là một buổi chiếu phim màn ảnh rộng. Giờ khai màn được đánh dấu bằng tiếng khóc của những thiên thần Cơm Nguội lơ hươ ngón tay như mẩu bút chì con con béo ị. Chúng ta phải lịch sự bắt chuông điện thoại và những dụng cụ gây nên tiếng động trong thời gian thưởng thức tác phẩm kinh điển của cuộc đời. Đến cả tiếng cười rính rích trong đêm thanh vắng cũng vậy, cần được giấu nhẹm sau vệt khăn mùi soa thêu viền chỉ tím. Nhớ nhé, đừng gây tiếng động và làm chuyện riêng.

Thành phố mùa hè có những chuyện rất điên. Người yêu nhau bỗng dưng trốn biệt nên công viên như thế giới không người. Nó làm tôi đứng ngồi không yên ả. Mùa hè ơi, đến bao giờ bao giờ... Nơi góc cây rất xanh này, một cô bé Cơm Nguội ra đời làm cả rạp phim cuộc đời vỡ oà sung sướng. Loài người vui hưởng niềm hạnh phúc lớn lao. Thành phố mùa hè không kể chuyện thanh tao. Ngộ nhỉ? Thế mà vẫn khối kẻ tin vào những triết lí hạnh phúc hai chân nghiêng xẹo vẹo. Chẳng cần biết đâu, cô em của tôi ơi, hãy khoác lấy giỏ đeo và ôm chặt vào ngực ấy, mình xông pha vào cuốn phím đang quay dở.

Chuyện cũ lâu rồi không nhớ nữa.

(...)

Sao tìm được nắng
Trong thơ anh cười?
Sao nhìn thấy gió
Nơi tay em rơi?

Nước Mĩ nước Mĩ
Mùa đông xám màu
Tay anh ướt lạnh
Có tìm được nhau

Sài Gòn tháng chạp
Váy hoa em nhàu
Thương anh em viết
Những lời thâm sâu

Tình yêu như nến
Đỏ suốt đêm hè
Một hôm đường đột
Bỏ đi không về

(...)

Chẳng hiểu sao tôi quan tâm nhất phần thân bài của mỗi câu chuyện kể. Khoan hãy nói về mở đầu nhé. Kết thúc lại càng nên giữ trong thinh lặng. Vì biết đâu, trong khi bạn kể tôi nghe câu chuyện của mình, diều cuối cùng nhờ thế mà biến chuyển đi ngàn vạn lần phương hướng.

Lời thư tôi viết dông dài.



Sài Gòn đã vào những ngày hè. Thi thoảng thành phố đột ngột những cơn mưa. Nhẹ thôi nên chẳng kịp làm ai ướt mắt. Tiếng cười vụt nhảy từ tầng lầu cao vút xuống mặt đường. Phía cao ốc An Thịnh, mặt sông Sài Gòn cứ duềnh dọc ngang những nhớ và mong mùa gió chướng. Mùa hè thật lạ. Em thường đứng chỗ giao lộ ngược gió. Và ngước mắt nhìn về phía Đông.

Em dặn mình: Hãy cứ bình tĩnh. Vì một phút giây nào đó em tỉnh giấc, vì một quãng đời nào đấy ta chưa gặp nhau, vì cuộc đời thường để mình đứng đợi rất lâu, rất thê lê và dông dài nhung nhớ. Em không thoát được nỗi âm ảnh về chuyện có thể mình từng là một con chim gõ kiến béo lăn quay, thường lọc cọc đâm mỏ mình vào thân cây sối những khi mùa xuân đến. Hoặc đôi lúc, em chạy theo công việc thật nhanh theo lối cuồng vội vì sợ mình sẽ không kịp với thời gian đời mình.

Bà nghệ sĩ già hằng đêm vẫn mang violon đến quán cà phê, ngồi kéo lên dạ khúc về một thời thanh niên sôi nổi. Người mẹ già hằng đêm vẫn lụi cụi mở cổng, hỏi con mệt không, chiều mưa đường đột có ướt mèm không đấy? Và tình yêu đôi lứa nữa chứ. Đã ngủ quên trong ngôi nhà của hai người nghệ sĩ già từng lâu. Mỗi sớm tối đi về, em trông thấy hai tâm hồn bị thần Ái tình quên lẵng. Họ ủ ấp cho nhau bằng một thứ tình êm ả khác. Và thật lạ, họ sống, chỉ sống vì ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Sài Gòn đã khác rất nhiều so với hồi em mười bảy. Hãy cứ bình tĩnh. Mọi thứ đều có giá trị của nó. Ngay cả giấc mơ làm chim gõ kiến, hay ngôi nhà hai nghệ sĩ già. Tin tôi đi. Hãy bình tĩnh bình tĩnh...

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Chuyện ra đi- trở về.



Người ta thường nói nhiều đến chuyện trở về- ra đi của lớp người trẻ ở xứ Biên Hoà- Gia Định cũ này. Bao nhiêu thương mến của quãng đời tôi gắn bó với Biên Hoà làm lòng không thể đặng đừng viết những dòng này cho được. Mơ hồ trong chuyến đi xa- không trở về nào đấy là sự lãng quên những góc đường, những ô cửa nhỏ ngày mưa, những binh biến đi qua thành phố mòn vẹt. Và giữa biết bao nhiêu lựa chọn của ngày sống, người ta nhớ nhau đã khó, huống hồ gì là nhớ quán chè 334, nhớ Cù lao phố tấp nập mua bán, nhớ Tam Hiệp rực rỡ đèn màu, nhớ những mùa Noel thanh niên tràn ra ngõ phố. Cứ thế, họ hài lòng cho sự lãng quên, có cớ cho sự không nhớ không thương của chính mình.

[còn dang dở]

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Chuyến bay mùa thu



Trên chuyến bay mùa thu
Đôi tình nhân dựa vào vai nhau ngủ thiếp
Gã doanh nhân gặp mộng, giật mình thon thót
Cô gái ngồi, so sánh bầu trời trong và ngoài trang sách
Mùa thu hanh như một cuộc tiễn chào

Em buồn làm gì, có trách được chi
Thế hệ mình chẳng thiếu thốn hoài nghi
Để suy nghĩ, chối từ và hi vọng
Lòng dũng cảm bắt cuộc đời biến động
Và tay ta sắp đặt những hình hài..

Có phải bầu trời trong sách là một món hời
Em không thể nào  mặc cả được?
Cái chết của niềm tin là đám tang oan nghiệt nhất
Em đừng buồn, nước mắt đừng rơi

Và ngày mai, ơi em, ngày mai.
Khi đêm đến cuộc đời im tiếng cả
Chẳng cần bình minh, chẳng nhiều hối hả
Ta bắt đời phải rạng rỡ trong nhau
Bắt đầu là vỉa hè ấp ủ những vì sao
Đám trẻ nghèo đến trường hoc hát
Nụ hoa thơm dành tặng cô xôi khúc
Dưới chòm Kim Ngưu- gánh quảy về ruộng về đồng
Lương tháng tròn nguyên trong túi bác thợ rèn
Sung túc về trên đôi tay thô tháp
Qua ô cửa máy bay, những hạnh phúc mọc lên
Hơn trăm lần chiều cao của toà tháp phía văn phòng, cao ốc…
Đôi tình nhân qua cơn ngủ gật
Thẹn thùng nhìn nhau và tay nắm chặt
Tình yêu về trong đáy mắt
Anh doanh nhân nhìn không nói
Vẽ màu trời lên giấy, lên trang

Và em ơi, nào hãy ngủ say
Anh vòng tay cho một chiếc ôm dài
Xua hết lo âu trong mắt em bối rối

Và câu chuyện trên chuyến bay buổi tối
Kể anh nghe cho thương nhớ theo về

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Quan trọng là phải tin.



1. Thu. Sài Gòn mùa này nắng vàng mướt. Kí ức của những tháng hè sống chết cùng khao khát tuổi trẻ, thực hiện mục tiêu “vượt vũ môn hoá rồng” làm người trẻ ủ ấp thêm bao nhiêu ý chí bước tới, đi lên. Để một sớm mai thức dậy, thấy nhớ Che Guevara. Con người vượt châu Âu bằng xe gắn máy này đã nói gì?

“Tôi tìm cho mình cách nhìn mới và chuẩn bị khả năng dám đối đầu, sẵn sàng chiến đấu… Và nhìn trước một vùng trời tự do thiêng liêng, nơi đó khúc hát của những con người tự do âm vang cùng một sức sống và niềm tin mới”

2. Người ta thường ví cuộc đời là những con đường. Và hạnh phúc nằm trên mỗi chuyến đi. Còn tôi, luôn cho rằng, cuộc đời là vô biên con đường và thứ sắp- sửa- trở – thành- con- đường. Chúng nhập nhằng vào nhau, đôi khi cần tỉnh trí mới nhận ra hết được. Nó cần bạn dũng cảm chọn lấy cho mình một hướng, và bước đi. Có nhất thiết phải chọn đại lộ bằng phẳng, ngào ngạt hoa hồng không? Có cần phải biết chắc cuối phố này là một kho báu khổng lồ mới chọn lối ấy để tiến không? Hay bạn sẽ chọn điều mới mẻ, tự viết riêng một con đường? Thôi, đành tuỳ bạn cả.

Sự lấp lánh trong đôi mắt các bạn tân sinh viên là điều khiến tôi vui sướng nhất mỗi độ thu về. Ánh nhìn ấy khiến mùa của tôi hồi hộp chờ đợi những minh chứng của lứa sinh viên mới góp vào 50 năm truyền thống đầy tự hào của Ngoại thương. Cũng như các bạn, tôi trân trọng những tháng ngày đã, đang và tiếp tục được trưởng thành dưới mái trường này.
Lời khuyên ư? Hãy kết thân với những người bạn. Rồi chúng ta sẽ tìm thấy tuổi trẻ và ước ao của mình trong chúng nó. Rồi sẽ tìm thấy điều mình thiếu sót, yếu ớt trong chúng nó. Những người bạn nâng bước nhau đi. Với tôi, Đoàn thanh niên- Hội sinh viên cũng là những người bạn như thế.
Và từ đây, chúng ta bay lên. Đến chân trời có người bay. Và cả những chân trời chưa có người bay.

3. Khi quyết tâm làm giàu đã trở nên một thứ khí hậu bình thường trong đời sống hiện đại ngày nay, tôi luôn tự nhủ: Không! Còn có những mục tiêu cuộc đời khác bền vững và giá trị.
Nhà thơ Hy Lạp Nikos Gatos đã nói: “Mặt trăng có thể làm bằng giấy, bờ biển có thể là tưởng tượng, chúng ta tin vào nó, nên tất cả trở thành hiện thực. Đừng bao giờ ngững đi tìm chân lí, hi vọng, hoà bình và tình yêu. Chúng ta cần điều đó để sống. Mọi vẻ đẹp có thể tồn tại, quan trọng là ta phải tin”
Và tôi tin, bạn ạ!

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Những bài hát rất vụn.

Tôi thường mở mắt và nhắm mắt để thấy chân trời chúi xuống chỗ mình ngồi. Vệt hình ảnh được gấp đôi, gấp ba, gấp n diện màu sắc, và cứ thế chúng kéo tôi về phía những mảnh màu. Tôi ước gì được lọt thỏm vào một ống kính vạn hoa theo cách tương tự thế. Và thấy trên vai mình, những hạt mầm màu xanh vun nở...

Tôi thường tập hát những đơn âm và ca từ trong trẻo lúc nửa đêm. Và dĩ nhiên tôn trọng sự tĩnh lặng tuyệt đối đến vô ưu của bầu trời Sài Gòn, tôi tập hát trong thinh lặng. Mắt nhìn suốt sau con chữ, để tự vẽ nên điều bài hát muốn gợi nhắc, nhớ vế...

Và tôi thương mình biết bao nhiêu. Thế thôi.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Về đây xếp lại

Tình yêu đã không còn được nhắc đến trong mỗi câu chuyện mình kể. Đời sống động đậy liên hồi với chuông điện thoại đổ dồn từ các đồng chí bé nhỏ và bạn nhà tài trợ. Đời sống cũng chững lại không ngờ khi thức trọn một đêm để làm việc. Chững vì trong khoảnh khắc đồng hồ chỉ 4h35', tim mình không thở được. Phải nằm yên và nghỉ ngơi. Phải nhắm mắt và hít thở thật đều. Đoán thấy màu ánh sáng mờ mờ sau khung cửa xanh dương. Và bình minh. Bình minh lại về

Đó là vòng quay của số phận. Nghiệt ngã hay bao dung? Người ta viết hàng hàng câu chữ cho tuổi đời hai mươi. Nhưng hai mươi trong mình rắc rối lắm.
Vùng vẫy. Khát khao. Thúc giục. Và cả những bình mình yên tĩnh thường dáo dác ùa về. Ùa về…

Cảm thấy thế giới vừa gần vừa xa khi cả ngày ở nhà. Đến tối mở cửa đổ rác mới phát hiện, chà, té ra cửa vẫn nguyên như hồi tối qua. Trên ổ khoá một con thạch sùng nằm ngắc ngoải. Thạch sùng mày khóc cho ai? Rồi quyết định để cho bạn nhỏ nằm yên đấy thêm một lúc lâu. Còn mình ngồi hát. và vun vén những áo váy vào vali
Cảm giác đơn thân. Và ổn theo một kiểu rất biệt lập nào đấy

Con đường nhỏ nhỏ dẫn vào xóm trọ đôi hàng hoa sữa. Hoa đã bắt đầu thơm hương, dắt díu những vệt mùi lãng mạn và dễ gấy ức chế cho tâm hồn biết bao nhiêu vạn lần. Nhất là khi Sài Gòn nghỉ ngơi giữa màn đêm. Thật kì lạ. Như thể giữa đêm, hương hoa sữa ngạt ngào mới rủ nhau về phố

Sài Gòn đang đêm

Và quá nhiều câu chuyện để suy nghĩ khi ra phố một mình, thấy hàng me xoé tay vẫy vẫy. Con cún vện thở phì phò than mùa hè chán ngấy. Nhưng bác sẻ lại huênh hoang: Không không, mùa hè vui đáo để cơ mà.

Sài Gòn lúc nào cũng đông. Hà Nội lúc nào cũng chậm. Nhưng hôm nay Sài Gòn đang nắng và Hà Nội ngập lụt đến tận vòng eo. Mình bắt đầu bị cuốn vào vẻ đẹp của những thành phố mình đi qua. Nói thế không có nghĩa sẽ ỉu xìu trước một thủ đô ngập nước đâu- vì những bạn váy đủ màu có thể để dành khi mình ghé Đà Nẵng cơ mà. Nhưng mình đang nhớ- nỗi nhớ không cụ thể như cách mình vẽ một góc đường mờ nước. Gọi tên khu chợ gọn gàng ở Nha Trang chẳng hạn. Hoặc là dãy núi nằm ngoan sau sương xanh ở Tây Ninh. Hoặc có thể con dốc gió thổi cuồng ở dọc biển Vũng Tàu


Suy nghĩ bắt đầu không mạch lạc. Vì mình đọc được đâu đấy về một cậu Mỹ trắng thích du ngoạn. Cậu nhớ trọn những con phố và thủ đô cậu đi qua. Nhớ không sót tẹo nào, kê cả viên gạch thứ n vỡ đôi vì nắng nóng. Và cậu quả quyết rằng, mỗi tên gọi địa danh đã xăm vào đời cậu nhiều kỉ niệm, những kỉ niệm dài như hơi mưa. Cuối cùng, mình phát hiện ra, tại mỗi thành phố cậu có một người tình.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Nhặng xị.

Mình phát hiện ra mình vẫn thường ghen tị với hạnh phúc nhỏ xiu của người khác. Nhỏ thôi, nhỏ như móng tay lâu ngày quên giũa ấy. Nhưng ghen tị là thói xấu. Phải bỏ, bỏ ngay cho bằng được.

Mình sẽ không nói với người khác rằng: Ôi, tôi bận bịu lắm. Bận điên lên được ấy. Vì tính sẵn đã hay lo lắng nọ kia và không tin tưởng vào deadlines hay lời hứa cuội. Giờ đây nếu ai đó hỏi: Sao, dạo này thế nào rồi? Hì, cũng thường thôi. Và "cũng thường thôi" sẽ giấu giùm mình tất cả những ghen tị và tổn thương mình bị/được/ phải nhận lấy. Mình sẽ cần học cách cảm thông cho bạn mình hơn. Dù đôi khi, như trong bóng đêm vờ vịt này, mình đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Bị thế giới bỏ rơi hoàn toàn..

Mình cũng không biết đâu. Nhiều khi cảm thấy tủi thân đến độ chỉ muốn cuộc sống là hàng ngày xách giỏ ra chợ. Nhẩm tính xem nên mua cái gì, nấu ra sao. Hoặc ngồi chễm chệ trên ghế bố, luồn kim chỉ may vá áo ngủ nhiều màu. Cuộc sống, sao quá khó khăn cho chúng mình, lũ trẻ tuổi hai mươi, vậy ta? Sao quá nhiều lựa chọn vậy ta? Khi mẹ bảo, mùa hè của con là gì? Và bạn đồng chí Nhơn nói: Cũng tại Mèo cả thôi.


Và ngồi đọc lại những gì trang blog này viết, nhận ra mình đang càng ngày càng vớ vẩn đi. Bây giờ, Mèo chọn đi, một là viết những chữ nghĩa đường hoàng, hay là đừng viết gì thêm nữa. Đọc chán ngòm à.

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Trở lại.

Tháng bảy. Mẩu vé đã sẵn sàng cho chuyến đi. Nằm yên trong ví hồng gấu nâu và rất nhiều suy tính về tiền về thời gian, về nơi phải đi, người phải gặp và quán hàng phải đến. Mọi sự bắt buộc sẽ trở nên vô nghĩa khi người không thực sự mong thế. Nhưng lần này, quả nhiên, chân đã muốn cuồng theo những chuyến đi...

Hà Nội không nhiều nơi để chở che. Dù Hà Nội nhỏ và Hà Nội hiền, dù người Hà Nội, với mình, luôn dễ cảm nhận theo một cách nào đấy. Nhất là khi ra phố, nhìn lũ đường sá ngoằn nghèo những ngõ và ngách, mình không thấy cảm giác sẽ đi lạc. Cảm giác bình yên tuyệt đối trong trạng thái không đươc chở che là hệ quả của điều gì? Thất thường ơi...

Đà Nẵng nữa cơ này...

Chữ nghĩa rời rạc quá. Viết tạm vậy rồi quay trở lại với công việc ngày thôi.

Để trở thành một kẻ sống đường hoàng xem chừng chẳng dễ. Nhất là khi người này vơ lấy cho mình một vài công việc không lương bổng nhưng đòi hỏi cống hiến toàn vẹn tâm sức và thời gian. Tiếng nói động viên của quần chúng bạn bè thân hữu cũng có giá trị cứu vớt rất buồn cười- kiểu như có tính chất giai đoạn thời kì ghê gớm. Chúng giống như doping vậy, nhận hoài sẽ bị nghiện. Rồi nhỡ đột ngột hôm nào, lời động viên hết tác dụng (do người này quên hay cố tình không nhớ) thì việc nằm lên việc, thở dài. Quay trở lại lõi bên trong, vậy rốt cuộc điều gì thúc giục người ta tiếp tục bước tới?

Đam mê?
Tinh thần trách nhiệm?
Giá trị cá nhân?

Hay giản dị là người này đang chờ đợi. Và trong lúc đó, vơ lấy cho mình một vài việc không lương bổng nhưng đòi hỏi cống hiến toàn vẹn tâm sức và thời gian. Thôi vậy đi. Còn chờ thì còn làm.

Nghe vớ vẩn quá nhỉ? Nhưng thiệt vậy đó. Tui chăm lo SG350 mà hông hiểu vì sao...

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Và chúng ta lại cười nói cùng nhau....

http://lethuydzung.blogspot.com

Những vần điệu khác :)

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Trong thời gian chờ đợi.

Cuối cùng tôi đã hoàn thành xong trang blog thứ hai- nơi viết về một đời sống khác, tâm trạng khác, phù hợp tương đối với con người đời thực của mình. Không biết có ai phàn nàn về sự nhiêu khê của chữ nghĩa trên tay tôi hay không. Những người bạn trong buổi cà phê lề phố thường lấy tôi thành ví dụ, lắm khi thành một điển hình: “Thật là Dung quá đi!”.
Nhưng kể ra việc tôi hoàn toàn tự nguyện. Cũng giống như chuyện ngồi chờ đợi. Chẳng ràng buộc nào, hứa hẹn nào. Tôi nói rồi, trong lúc chờ đợi, tôi sẽ làm việc có ích.

Hôm nay ngày tôi dành cho sách. Thế giới cổ điển của chữ nghĩa từ lâu đã khiến tôi ghi chép và ngẫm nghĩ. Cơ man nào chuyến đi và thị trấn trong hằng sa số tập văn bản mỏng dày ngăn ngắn chỗ kia. Ở thành phố này, người mê sách có quá chừng sự chọn lựa.

Tôi đang sống trong những ngày bội thực như thế đấy. Cười ha ha khi ngả lưng xem “Để mai tính” với những câu nói thầm thì với chúng bạn đầy tính mua vui. Nỗi đau của việc bị quên lãng quá nhiều đến đắng. Những ồ ạt gặp gỡ, hẹn hò. Thứ gì cũng đầy tràn và ứ nghẹn. Chực chỉ trào ra khi tôi mở mắt, hé môi- lúc trên bầu trời tháng sáu vấn vít những mây và nắng. Trời Sài Gòn mùa hạ. Những cuộc vui mùa hạ.

Chắc vậy nên, đôi mắt thường cụp buồn vẻ như rất tiểu thư. Và đôi môi nữa. Môi chỉ thường cười mỉm và nói ít lại hơn bao giờ.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Người ở thành phố

Tôi vẫn thường ngồi bên khung cửa. Qua bốn năm bận chuyển nhà, từ chỗ có ban công sang nhà có thang máy hay có khi là dãy nhà xậy xệ hoặc đại để lúc này, trong xóm văn nghệ của riêng tôi, chỗ bên khung cửa vẫn bất di bất dịch như một tài sản tôi thuộc về.

Thành phố đang bận bịu với mùa hè. Tôi cũng cắm cúi học đòi đọc lấy đọc để tài liệu môn Luật- sắp sửa thi. Bầu trời từ phía tôi nhìn hôm nay tím sẫm. Dọa dẫm mưa. Nhiều khi không thể nắm bắt được thành phố sẽ ra sao trong đôi ba phút tới. Mọi sự thường diễn ra rất nhanh. Trên thành phố này. Có thể bạn lửng lơ đi dọc vỉa hè cả buổi sáng, giả vờ như mình rất rảnh rang, thì tin tôi đi, ngay khi bạn ngồi xuống ghế đá vệ đường, bạn sẽ hét ầm: Trời ơi, cuộc sống xung quanh tôi đã chuyển động thế kia!

Chắc vì vậy, tôi hạp Sài Gòn. Bầu không khí nhộn nhịp, có lúc như muốn gắt lên vì yêu cầu hiệu quả cống hiến của mỗi cá nhân, nhưng vẫn quá nhiều góc cho tôi ngồi cà phê, đọc sách và thấy mình đúng một kẻ người chậm. Như góc ngồi bên khung cửa.

Vì sự rắc rối của tâm hồn mình, tôi dự định sẽ viết thêm một trang blog khác. Tuy nhiên, vẫn giữ lại nơi này để làm chốn viết ra những lời nữ tính hoặc nghiệt ngã, cay độc. Trang blog mới kia sẽ phần nào tích cực hơn- nơi tôi viết về công việc, dự án, học hành, những chủ đề bạn đọc thích ghé lại. Nhưng trang blog mới kia sẽ không có phần nào dành cho góc ngồi bên khung cửa.

Tôi đã sắp xếp mình như thế đấy. Dù sao thì tôi vẫn đang chờ đợi. Và rất lâu. Không ai biết được, điều tôi chờ có quay lại hay không?
Tôi vẫn ước mong, đó là nơi tôi thuộc về. Tình cờ. Bền chặt.

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Trách tạm vậy thôi!

Và những cơn mưa buổi trưa vờ dang dở. Vũng nước mặt đường.
Thơ và những cô đơn.

Tôi tự hỏi mình ổn không? Vâng, vẫn ổn như dạo năm trước một mình vơ vẩn đi qua lại trên đường Nguyễn Chí Thanh. Con đường đẹp nhất ấy à? Không, chỉ rộng theo một kiểu nào đó và kẹt xe theo một cách nào đó thôi.

Cũng giống hệt lúc này, biết mình đã chết đi nhiều phần lãng mạn và trong trẻo.
Nhưng không hiểu sao. Không hiểu.
Thật buồn cười rằng tôi vẫn tin vào con người. Tin một cách kì lạ.


Hãy bình tĩnh. Bình tĩnh. Ít nhất “cô đơn” không còn trong từ điển nữa vì không có biên giới giữa “cô đơn” và “không cô đơn”.


Vì rằng, một đêm nào đó, bạn thấy tôi than thở: Ôi, mình cô đơn quá!

Thì buổi đêm ấy cũng chẳng khác một buổi đêm kế tiếp, bạn thấy tôi cười: Ôi, mình đã hết cô đơn rồi đấy nhé!

Nó như nhau cả thôi. Đen thui và cô độc thế thôi.


Cuộc đời của nàng hai mươi buồn rũ. Nói chính xác hơn là, một phần đời và tâm hồn của nàng đã úa đi nhiều. Vì mùa thu, Hà Nội và những sự đường đột đến đau đớn.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Thường thì rất dở hơi tập bơi!


Này cô nàng xinh xẻo của tôi ơi,

Ngoài kia trời đang run lên vì mưa gió và bão bùng đấy. Cô cứ tiểu thư như thể cả thế giới đang xoay vần chung quanh chỉ vì một gương mặt không hào nhoáng thế này à. Hãy hát lên đi. Nhảy lên đi. Và khoắng cho cuộc đời này thêm ngàn vạn điều thú vị.

Những mấu viết. Những bài thơ. Những trang văn cô gửi lại ấy.
Mùi vôi vữa dậy mùi cho những chuyến dựng xây.

Chuyện xưa khép lại lâu rồi.

Đọc lại những dòng không sáng sủa của bản thân mình, tôi nhận ra sẽ thật quá ác độc nếu vẫn tiếp tục đi theo cách ấy. Phải đứng lên trên nỗi khổ đau của chính mình. Nhớ đây nhé!

Nên quyết tâm vun vén lại cuộc sống của bản thân mình bằng chuyện giặt đồ, nấu nướng, cắm hoa. Bằng những buổi trưa tỉ mẩn may áo ngủ và buổi tối đọc sách học bài.

Thế là cuộc đời mình lại sang trang những màu rất mới. Màu xanh dương nhé. Hay màu vàng tươi non. Gì cũng được, miễn là mỉm cười.

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

độc thoại

Tôi thường mơ thấy những dải lụa thơm. Chúng bay phấp phới. Và trên những hồ hởi sắc màu, chúng quấn lấy thân người tôi. Chúng điềm nhiên để lại vết hằn không nói trước. Và phải rất lâu sau tôi mới nhận ra cơ thể mình đã chằng chịt quá nhiều vệt lụa. Bấu vào da thịt mình, tự hỏi: Có thấy nhoi nhói ở đâu không hay nỗi cô đơn luôn cố định ở đó, ở đây và ở kia nữa?


Cuối tuần trôi qua với hơn một dải lụa. Và kết thúc bằng tin nhắn: Yêu em có vất vả quá không?
Hạ màn.

Tôi thường mơ thấy những mộng mị rất khả thi. Nghĩa rằng, một hôm nào đấy, giấc mơ sẽ chay ngay vào đời thực trước sự ngỡ ngàng cùng sợ hãi của chính tôi. Và tôi biết, một phần hồn nhiên đã chết từ lâu lắm.

Giữa cái nắng rất nồng của Sài Gòn tháng năm, tôi đi qua sự sắp đặt của phố phường một cách vô ý và tùy tiện của kẻ không dự định. Người tôi gặp, chuyện tôi nói, nụ hôn tôi kề và những sải chân tôi bước. Mọi thứ cố nhiên không có thực. Trong tiếng thở gấp của chính mình, tôi nghe tim thoi thóp. Nó đã mệt. Rất lâu rồi.

Đôi khi tôi trách sự nhạy cảm quá đáng của chính mình. Nó tiểu thư và èo uột lắm. Kịch nữa cơ. Cứ như thể tôi cố khoác nó vào người để minh chứng với quả đất rằng tôi là một nàng dịu dàng, nữ tính. Và những đêm quay trở về nhà, thấy hoàn toàn không buồn ngủ tẹo nào, tôi bắt đầu cho mình một cuộc cãi vã. Ầm ĩ đến đáng thương.

Nhưng tôi cũng thề rằng, chiều nay, tôi không khóc được. Tôi chỉ xót xa vì mình không còn nhìn thấy con cừu sau thùng gỗ nữa. Vậy đành làm một kẻ ngạo mạn, khinh đời, hoặc cứng đầu, ương bướng, tôi phải bảo vệ trái tim tôi. Dù lạnh lùng ra sao chăng nữa.

Tôi sợ khi khép mắt lại, tôi sẽ không yêu ai, hoặc chẳng ai yêu mình. Tôi sợ những dải lụa thơm bất ngờ cuộn lấy tóc tôi xanh biếc và treo ngược lên nhánh bàng cổ thụ. Tôi sợ sự yên tĩnh của đêm, ly bơ đá không hiểu vì sao nhẩm đắng. Tiếng trách móc của bạn cùng phòng. Một mình và lặng lẽ.

Khi người yêu tôi khóc. Cứ tưởng như mình sẽ yêu người ghê gớm lắm. Nhưng không, có lẽ rằng, từ dạo đó, tôi không yêu được nữa. Tháng mười ư? Hay tháng sáu?
Sợ hãi làm sao cách người ta thường đong đếm ngày bên nhau, xa nhau, căm thù nhau. Với tôi, đó là vô tận.

Khi đã sống hết mình chỉ vì một từ trường có khả năng sát thương hoặc gây sốc cao độ, người ta không biết về viễn cảnh rơi không trọng lượng gần kề. Đôi khi ảo tưởng về tình yêu cũng khiến người ta tin vào những giao cảm không lời hoặc tín hiệu lạc quan kiểu trẻ con bậc nhất. Chao ôi, tiếng thở than trong tôi chưa bao giờ dài thế. Nhão nhoét và nhạt toẹt. Tôi ước mình co quắp. Đến tuyệt đối vô ngôn.

Cuộc sống là thế. Tôi đang chờ đón bình minh và cố sức vừa ăn nốt ly bơ đá vừa lừa lịa những miếng bơ nhẩm đắng. Kể cũng kì công quá chứ. Nhưng tôi không hất đổ. Tôi tỉ mẩn làm công việc chọn lọc lấy niềm vui và nguyên cớ để bước tiếp trên cuộc đời này.

Sau những chương trình ngập tràn ánh đèn và sắc màu sân khấu, tôi thường trở về trong ám ảnh nụ cười và nước mắt. Trong đó, còn có những phút giấy lặng lẽ tôi ngồi nhìn lại mình đã và đang làm gì?

Và rằng: đời cho tôi quá nhiều điều để tự hào và sống tới…

.

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

lòng chưa biết những gì đang ngóng đợi...

Này là buổi sáng nắng rất ấm bên khung cửa màu xanh da trời. Phòng trọ mình yên tĩnh. Bà nghệ sĩ tuổi sáu mươi đã dắt xe ra chợ cho kịp buổi bán buôn. Gã guitar dậy muộn, tối hôm qua mình phát hiện gã cũng mê thức khuya hệt mình. Các anh kĩ sư đã đi làm từ sáng sớm, nổ máy xe bạch bạch và tung chùm khóa kêu loẻng xoẻng.

Mùa thi mùa thi… Bệ cửa sổ phòng mình thấp chũn nên nắng hè cứ thế tràn hoang hoải trên nền nhà màu kem pha chút xanh lá. Song sắt rất thưa, đầu mình chui tọt cơ mà. Nên cánh cửa phải đệm thêm lưới, giống áo ba lỗ hồi mình khoác ba lô xanh mầm chồi lá vậy.
Hì, sáng nay mình ngồi bên khung cửa sổ ba lỗ.
Đã rất lâu mình không đọc sách. Những câu chuyện dài về tình yêu và cuộc sống. Các bạn sách cũng lang bạt qua nhà các đồng chí mình và yên vị bên kệ sách vàng thơm chẳng hạn. Chắc thế... Nên suy nghĩ bị loãng dần. Câu chữ vụn như giúm bánh mì mình bỏ lên món bánh kem béo ngậy. Cảm thấy mình trong khoảnh khắc này vô giá trị. Mờ và nhạt.
Hôm qua, và hôm nay nữa, mình mở nghe mãi bài “Mùa hạ cuối cùng”

Rồi tự dưng muốn mặc áo dài trắng và ôm cặp đen đứng chờ bạn lớp trưởng lớp Tin trước cổng trường. Rồi ngồi rón rén đằng sau chiếc Cup lạch bạch vẫn thường ẩm ương dở chứng khi chúng mình đi qua con đường hoa tím. Rồi có hôm, mình vờ vịt lấy cớ để quên sách vở để trốn anh giảng viên đẹp trai- không dám thẳng thắn nói: Em không về cùng anh được đâu.

Rồi những chiều đợi nhau giữa hàng lang bạt gió. Bạt gió. Hàng lim xẹt phun thức hoa vàng, làm hai đứa ngẩn ngơ. Rồi cũng buồn vô hạn. Chẳng đứa nào nghĩ, yêu nhau chừng ấy lại xa nhau vời vợi vào một ngày cách đấy không bao xa.

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Mốc.

Thương nỗi cô đơn lụi cụi vắt mình thành giọt
Ướt đẫm nóc nhà lô nhô ngói và tôn không sắp đặt
Năm, mười, mười lăm, một trăm
Anh không đến,
Mưa đến…

Vần vũ tan đi tôi ngơ ngác bầu trời
Tháng năm yêu nhau ngỡ màu xanh gần gụi
Mơ như vỏ ve rượu chỏng chơ góc nhà mé gần khung cửa
Nơi chúng tôi hôn nhau
Nhìn nhau
Ghì riết vai nhau
Và cười hạnh phúc.

Anh không đến
Mưa đến…
Thành phố biết níu mình khỏi màu chì kẻ mắt
Như khói chiều ngày xưa mùa triều cường đột ngột
Tuôn nức nở trong lòng


Sài Gòn
Sáng nay xanh như bài thơ hồi nhìn đâu cũng thấy màu hồng
Điệp khúc lửng lơ
Gã tay mơ thích thánh ca và làm tình dở tệ
Sáng nay,
Tôi bắt bắt đầu một tình yêu không dự định
Với chàng trai hiền như lời kệ
Người không thuộc về những chát đắng
Và nằm ngoài cơn bão từ mỗi lúc trời muốn hành hạ người điên.

Anh không đến
Mưa không đến
Hiển nhiên nắng tràn, gió hát và vung vãi câu jazz
Khắp ô nhà, khe cửa, bài thơ và vỏ ve chai thành bình hoa lẳng lặng

Nỗi nhớ oẳn mình vì meo mốc, rêu phong
Lời nhiếc móc giả vờ sốt sắng
Anh không về, mưa không đến, em khác xưa.
Anh về, mưa đến, em khác xưa…

Và yêu nhau dưới một ngọn đèn...

 (Tôi thật sự bất ngờ khi bức ảnh có tên: Nụ hôn mùa hè)


Sài Gòn những ngày vào hè.

Trời nắng như say. Mồ hôi nhiều khi không biết từ đâu túa ra như nỗi nhớ người yêu lâu ngày không hò hẹn. Thành phố nằm nghiêng bên những con đường dài hàng cây đổ lá. Lòng gọi: mùa hè mùa hè… Rồi tiếng cười trong trẻo của cô bạn gái bên ly cà phê song sánh nắng vàng. Rồi những vỉa hè lát đá xám xanh trầm ngâm dấu chân cuối mỗi buổi chiều. Sài Gòn giấu hết vội vã vào tiếng còi xe thúc giục, nên người đi giữa phố, thấy con đường sao quá nhiều ưu tư và lặng lẽ … Sài Gòn những ngày vào hè…



Vậy là đã hai mươi. Tuổi đời nhiều ước vọng và trăn trở này đã ùa vào tôi hơn một cơn bão. Ào ào gió. Ào ào hương. Của công việc, của cơ hội, của học hành và tình yêu. Vươn vai và ngẩng đầu trước bão gió, tôi thấy thôi không còn yếu ớt nép mình sau hoa sau lá.

“Ngày vừa hai mươi, em ùa vào đời…”

Dự án còn dở dang. Nhưng may mắn được náo chí và truyền thông viết và nói nhiều về tôi- bề- mặt. Tôi sẽ còn đi tiếp. Hứa với lòng đấy nhé…


Những tối ngồi dưới trang sách, tôi thường ngó mắt qua câu chữ vần vèo.
Lưu Quang Vũ có viết :
Hãy bình tĩnh, bình tĩnh
Những khuôn mặt những vòng xoáy những đám mây
Sẽ hiểu được sẽ không còn đáng sợ
Chúng ta sẽ chịu được nỗi đau sẽ làm việc
Đóng một cái đinh treo một tấm áo
Và yêu nhau dưới một ngọn đèn…




P/S:


"Chúng ta sẽ lại hát cho nhau khao khát hôm xưa
Những con đường trong chuyến hải trình phiêu lưu bất tận
Cổ tích màu xanh- tình yêu mình màu biếc
Nắng tắt rồi ta thắp lửa cho nhau

Và thế là...
Chúng ta sẽ lại yêu"

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Con sẻ bù xù


"- Lúc cài hoa lên ngực áo, mẹ có ý nghĩ tới ba không?
- Có - Mẹ nói sau lát giây im lặng.
- Vậy sao mẹ khóc?
- Mẹ thấy sung sướng vì có những người như ba con.
- Không - Masha thì thầm - không phải vì thế đâu. Khi sung sướng thì không khóc, cười mới đúng chứ?
- Khi hạnh phúc quá lớn, người ta khóc, con ạ - Mẹ đáp lại - Và bây giờ con phải đi nằm thôi.

Masha ngủ. Vú Petrovna cũng ngủ. Mẹ tới bên cửa sổ, Paska đang ngủ gà gật trên một cành cây. Yên tĩnh quá chừng. Các bông hoa tuyết đang rơi lặng lẽ từ trên trời xuống làm cho cái yên ắng thêm sâu. Và mẹ nghĩ rằng, cũng như những bông hoa tuyết kia, các giấc mơ hạnh phúc cùng các câu chuyện kể đã rơi xuống nhẹ nhàng với những người đang ngủ yên, hệt như thế…"

P/S: Là cuộc đới vốn dĩ ta yêu.

Chuyện tình yêu.




Bị nhớ khoảng thời gian làm việc cùng với các bạn cô dâu chú rể. Hạnh phúc của đôi vợ chông chim câu mới cưới nhiều khi đơn giản lắm, chịu khó để ý một tị là thấy ra ngay. Chỉ cần vuốt cho nhau đôi sợi tóc lơ thơ, kít một cái rõ to vào má trước biển động sóng trào. Chỉ cần nhìn thật sâu vào đôi mắt đang mỏi mệt, cô vợ choàng tay, anh ăn gì nhé? Mình quan sát và ghen :)

Sự ghen cũng vớ vẩn nhỉ? Các bạn cô dâu chú rể thường bị rắc rối lắm. Nên người làm wedding-planner cứ phải khéo léo như kẻ dệt thêu chuyện hạnh phúc ngàn năm vậy.

Mình bị nhớ khoảng thời gian nhìn đâu cũng thấy nụ cười của bạn cô dâu và bàn tay rắn rỏi của bạn chú rể. Mình cũng bị nhớ nụ hôn kiểu Pháp của chàng da đen gốc Ấn cho nàng phóng viên người Việt. Mọi thứ ùa về ùa về làm mình muốn cưới chồng khủng khiếp.

Nào lấy chồng thôi, lấy chồng thôi!

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Giao hưởng của những mùa thanh tao





Em ngồi đây. Giữa góc nhà dịu dàng bản giao hưởng số 3 và nắng phơn phớt về trên bậu cửa. Những hấp háy sau cùng của giọt nắng chỉ làm cho tiếng nhạc thêm trong trẻo và chạy nhảy tung tăng trong muôn vàn ý nghĩ đang trỗi dậy.

Đã lâu, giao hưởng mới nhẹ và êm thế này. Món cốt lết chua ngọt và canh cải vừa vặn cho bữa trưa vắng người nhưng đầy thanh thản. Thiếu mỗi cà phê. Vì trái tim đang cần khỏe mạnh nên chối từ bạn nâu đen một thời gian vậy nhé.


Và đời đẹp vô ưu.

Thành phố không rõ mùa gì. Đêm đêm hoa sữa gọi về trên lối đi hẻm nhỏ. Rất Sài Gòn- Huế- Hà Nội. Chị Xù kì kèo rủ đi rút tiền ở máy ATM xanh đỏ gần góc chợ nhỏ. Nắng khuya rớt trên đầu. Các anh kĩ sư xây dựng phòng bên bắc chân chữ ngũ ngồi bàn luận quốc gia đại sự trước ngõ nhà. Những chàng trai em không để ý gương mặt.


Chị Xù không biết qua đường, mặc kệ cho có bao nhiêu lằn vôi trắng đi nữa. Nhưng chị dễ thương. Em nhớ ngày xưa, người yêu cũ của em từng bị rung rinh bởi một nàng không biết qua đường- và nàng ấy dễ thương. Nhớ kĩ hơn một xíu nữa, nàng thích màu xanh và học đại số dở ẹc. Cũng thời ngày xưa, em từng nghĩ, tại sao mình thích màu hồng và học đại số tốt thế?

Tình yêu nghĩ cũng ngộ quá chừng đấy chứ. Nhưng “cỗ xe của lòng bất kính” đã chạm ngõ rồi- em phải dấu giếm xúc cảm mình vào đây.

Thời gian cũng ngộ. Cứ mãi mãi ước được trở thành một cô con gái của truyền thống, may vá và nấu nướng suốt mùa. Nhưng Tiết học Xanh và Sài Gòn 350 làm em không thể mãi hoài là một nàng chỉn chu thế được. Và bỏ bê…

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Vẻn vẹn là mình.



Có những than thản không được tiếp nối thành lời. Chúng trôi trên lá sen, làm mọi thứ không thể thẩm thấu được. Em chẳng màng đến những hiện tượng vật lí không tình yêu, không chỗ dành cho điều màu nhiệm. Mặc buổi sáng chùng chình những sương và lời kinh kệ nhiều ám ảnh. Tiếng mõ buồn rớt xuống mặt ao giật thột. Và lá sen quên không ồn ã lâu rồi.


Người ta nói tật nhiều lí lẽ về tình yêu. Lời nói nào cũng logic kiểu A yêu B, B yêu C, suy ra A yêu C. Mặc cho thực tế A không thể yêu C bằng nguyên cớ gì cho được. Em ngắm mãi sự bình thản trên gương mặt. Bình thản chuyển động. Từ có đến không, từ không đến có. Sự bình thản dễ dàng làm tâm hồn xúc động. Như một điều chầm chậm và bền lâu.

Môi buổi hoàng hôn, nắng hắt trên sống mũi cao cao, để lại bóng tối nơi đôi mắt. Quá nhiều nông nổi được ém nhẹm tại đây. Như hố sâu nông cạn.

Nhân loại trở về...


Thanh xuân là những tháng ngày tròn vẹn nhất của cuộc đời. Nơi ấy thời trẻ nít vừa đi qua chốc lát kịp để lại những dư vị trong trẻo xanh non. Nơi ấy già cỗi yếu hèn không dám đến gần vì ngại sợ những trái tim trẻ trung, đỏ lửa. Nơi ấy tình yêu về lại với thật nhiều dạng thức và tên gọi. Bạn thấy không, tình yêu bên cạnh mình?

Nhắc đến tình yêu là nhắc đến Trịnh. Chẳng biết hà cớ gì, ngay cả khi 9 năm đã trôi qua, tháng tư đã đi được gần hết chặng đường, người ta vẫn không tin được trò đùa số phận trong ngày nói dối. Phải chăng, nhắc đến tình yêu theo cách chiêm nghiệm cùng thân phận là nhắc đến người nghệ sĩ gầy gò bên thùng đàn guitar trong nhóm “Những người bạn”. Phải chăng, tâm niệm “đành vậy với tình yêu” đã giúp ông đến gần với mỗi cuộc đời, mỗi tình yêu, mỗi khóc cười để gửi gắm tấm lòng trẻ trai dành cho dân tộc.Thiết nghĩ, Trịnh đã giãi bày thật nhiều điều đâu chỉ cho thanh niên cùng thời ông. Trịnh nói hộ lòng chúng ta hôm nay nữa chứ!
“Con đường Tây phương đỏm dáng và dễ sạt nghiệp. Con đường Hiệp Chủng Quốc mạnh khoẻ nhưng hời hợt. Con đ̣ường Đông phương khắc khổ mà thâm tình. Cả ba con đường đã thành tựu một ngã ba nơi đây.
Vì giao tế, mỗi ngày chúng tôi phải đi trên trên cả ba con đường đó. Đi và tự nhủ lòng đừng sa ngã. Điều gì đã khiến cho đất nầy được chọn để thành tựu một ngã ba?”

“Cà phê thư” sẽ trở nên khó uống nếu suy nghĩ này lạm bàn vấn đề chính trị. Trịnh cũng sẽ phiền lòng vì vốn dĩ những điều ông viết chẳng phục vụ cho Đảng phái nào. Nhưng đơn giản thế này nhé, bạn có tin Trịnh nói không:
“Ai không đi về phương Đông, kẻ đó lạc hướng. Chữ nghĩa đã nói như thế”
Và:
“ Trong những giờ tĩnh tâm, tôi đã loáng thoáng thấy những bước chân nhân loại trở về. Thoát đi từ một hoàng hôn đ̣ang tàn tạ. Những vầng trán thấm nhuần sự thất bại, những ánh sáng rực rỡ, cái áng sáng của kẻ đã thấy được cội nguồn.
Chỉ có những dân tộc sống tận cùng khổ đau mới xứng đáng đốt lên ngọn lửa trong căn nhà trở về đó. Và chỉ có những kẻ chạm đ̣áy hố thẳm mới biết được đỉnh cao”
Người trẻ nhắc mình phải kiên trì và táo bạo hơn nữa. Thanh xuân hơn nhau ở hành động, không phải lời nói. Thanh xuân giá trị ở đóng góp, dựng xây không phải ở thoái lui, đổ đạp.
“Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ
Chỉ xây dựng đời là khó khăn thôi”
(Lưu Quang Vũ)
Lịch sử có những nỗi đau riêng. Cảm thông, bao dung và gắng làm cho hiện tại tốt đẹp hơn bao giờ hết, bạn nhé!. Tin tưởng vào sự đi lên bền vững của nước Việt trên dặm dài rất nhiều chông gai, ta tự hào về một quá khứ thúc giục sau lưng, về nề nếp nền nã của dân tộc hiện tại, về tương lai hội nhập ổn định, vững vàng…
Từ văn hóa này, hồn cốt này, tâm linh này, “nhân loại trở về”- Thanh xuân trong tôi tin thế đấy.

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Ngày yêu.


Anh thấy không?
Họa mi đâu còn hát những lời buồn khổ
Vỉa hè ngoan trong thương nhớ
Viên gạch cùn thôi những ngổn ngang
Bà hàng nước ngõ nhà kiêu hãnh quên khoác khăn bông
Mặc kệ mùa đông về trên nụ bàng giá buốt
Anh ngồi xuống đây, từ tốn kể cho em về ngày tháng trước
Thời chưa có nhau, nụ cười chưa kịp vun đã nhòe tan mất
Đã qua rồi…

Đã qua những bó hồng phiêu bạt phương trời
Nửa đêm về ghé lại
Đã qua những cuối tuần vồn vã nói cười
Ngửa đầu nghi hoặc, đâu biết mình có thực sự vui

Anh đã đi đâu? Đã về nơi đâu?
Ngần ấy năm có phút nào cô độc
Có mùa nào nuối tiếc…
Có người nào yêu anh như em…

Ngày mùa hạ khoe lửa đỏ trên tay
Em nhặt lấy cánh non ủ vào khe ngực
Ngày bịn rịn con sâu về bụi cúc
Mùa thu nghiêng trên tóc xanh mềm
Ngày mùa động ngang dọc xé mái hiên
Gió thốc hết những điều em giấu kín
Và nửa đêm nghe én xòe cánh liệng
Đón mùa xuân trong ầm ĩ hoa vàng.

Anh ngồi đây, từ tốn kể em nghe
Chuyện thời gian chờ nhau như cổ tích

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Nhận diện cuối cùng




[Tốt nhất, em hãy tự thưởng cho mình một tràng pháo tay. Bộp bộp. Vâng, xin cảm ơn. Và chấm dứt những huyền diệu màu hồng của đời sống ở đây.

Em dựa vào em đơn độc quen rồi]


Ngày hôm nay. Tôi nhớ Trịnh không phải vì hàm ơn những điệu kinh cầu nữa. Tôi nương nhờ giai điệu và câu chữ nhiều ám ảnh kia để sống tiếp đời mình. Đơn độc kể ra cũng ổn- theo phương diện nào đấy, nó làm chân tôi có cảm giác tự nó có thể đứng vững vàng. Thôi, vậy đí, đừng sân si...

Ngày hôm nay. Dặn lòng sẽ giấu đi những chống chếnh và xao động của mình. Lời tự thú đôi khi chính là nơi để những đàn bò húc sừng vào đấy. Gắng giữ mình yên tĩnh, Mèo ơi!

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Đêm. Hổ phách.


Đồng chiều hổ phách
Dài như tháng năm tuổi xanh
Dài như ngón tay anh
Gõ lên thùng đàn vội vã
Con dốc đổ cuối ngày những chậu xô thương nhớ
Sau cơn mưa
Phố giật sáng sững sờ

Vòng tay anh
Dang trọn hết cô đơn- em- mùa thu
Thiếu phụ buồn vội quàng khăn màu đỏ
Nàng nhà bên làm ngơ bờ dậu nhỏ
Nối buổi chiều với chòng ghẹo thi nhân

Từ ngày hổ phách hóa thân
Tình yêu nhớ con mèo hoang bỏ đi từ đâu lắm
Em trút sạch đồng xu cuối cùng mua cho mình hạt nắng
Nụ hồng cuối ngày cánh chẳng phẳng phiu hơn

Vòng tay hổ phách và vài ba chiếc hôn
Những siết ôm và nụ cười anh để dành sau bao năm tháng
Dại khờ nào cũng già nhanh qua đêm trắng
Có phải thứ em cần?

Quay về thị thành khi nắng khuya rớt quanh sân
Vung vãi mái nhà đan thành vòng nỗi nhớ
Hổ phách say như men
Như anh đó…
Lửa có tàn, ta xin thắp cho nhau…

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Thơ về vỉa hè mùa gì không rõ nữa...


Vỉa hè ngày mùa gì không rõ nữa
Chỉ tiếng con Vàng cắn vội vào đám gió
Nham nhở khúc kinh cầu
Bên hiên chùa
Nhà ai thiêm thiếp tiếng đàn bầu
Như khung cửa đêm mưa rào vội vã
Có ngủ được đâu
Có thức được gì

Vỉa hè dài hơn những bờ mi
Hàng me xạc xào khua tay như vẫy lá
Cây đâu thấu cảm hết những gì anh nói
Chỉ có em…
Im lặng như vỉa hè mùa gì không rõ nữa
Anh đi
Em quay về đợi phố tiễn giêng hai

Em quay về thành phố tiễn giêng hai
Vỉa hè tinh tươm như mối tình vừa tay em xếp gọn
Nằm ngoan một góc tròn
Cho riêng mình
Chết lặng

Anh đi cùng năm tháng
Em quay về thương nhớ đốt lòng say…


Lê Thùy Dung

Nghe những tàn phai...


Đã đêm.

Cuộc sống của những ngày không sách vở kể ra cũng tuyệt tuyệt theo một nghĩa nào đó của riêng nó. Công việc nhiều như nồi hoành thành mỗi lần về Biên Hòa tôi hì hục nấu, ăn hoài không hết. Việc làm giống hệt thứ men nghiện đăng đắng nhưng chẳng thể dứt được. Bận rộn. Nói theo ngôn ngữ quốc gia, tôi thành người công việc mất tiêu rồi…

Và rằng, cuộc sống không sách vở thật chông chênh và nhạt miệng. Lời nói và chữ viết mất đi sức dựa cậy. Và rằng, tôi sẽ sớm trở về với sách và vở ngay thôi. Sẽ giản dị sống như một người con gái bình thường thích hoa hòe, chăm chỉ nấu nướng và cặm cụi may vá…
Bình pha lê cúc và đồng tiền đã tàn. Những nụ cúc trắng lốm đốm đen như hấp hối lời từ biệt. Còn gì buồn hơn khi ngồi ngắm những tàn phai…

Còn gì buồn hơn khi ngồi thỏm giữa bóng tối màu ve phai, nghe tim mình trống hoác không người ghé lại. Mãi mãi, những buổi đêm sẽ là những cô đơn không thèm cất lời. Trôi đi trong im lặng. Mãi mãi, sẽ nói về tình yêu như một thứ xạ hương không bao giờ với tới được. Kính nhi viễn chi…

Anh ạ, mùa xuân đã cạn lời…
Bao giờ em mới gặp anh đây…


Sắp sửa một thời gian màu trắng. Mạnh mẽ nhé Mèo em. Thương từ trong im lặng…

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Tình ngỡ đã quên đi...





Không biết từ bao giờ, tôi cột lòng mình vào Jazz day diết. Đêm huyền bí. Luôn đượm những màu rất nồng và thơm. Không biết rõ vì sao, tự trong trí nhớ mình, tôi thương đêm vô cùng tận tuyệt.

Cuốn sách mở muộn nên đôi ba trang còn nũng nịu níu vào với nhau. Jazz trầm như tiếng thở. Tôi hay ước cho mình những sáng nắng tràn, được ngồi nơi công viên, thấy tiếng chim vọng về trong trẻo. Jazz véo vắt thêm vài note thật êm… Tôi ước những cuốn sách tinh tươm, nằm gọn trong ba lô ì ạch đều đặn lật dở từng trang. Giống kiểu mỗi sáng mở mắt, tôi ghé nhìn khe kiếng Vạn Hoa. Muôn trùng ảnh hình và màu mè góc cạnh. Thương nhớ đó- thương nhớ nhỏ xiu của tôi ở đó.
Nhưng lúc này đây là đêm. Rất đen. Và huyền bí…

Cuộc sống mải miết hơn dòng sông, mặc dù, đã hơn một lần tôi sợ hãi nước triều mỗi ngày hai bận lên xuống. [Nhưng tôi thương những dòng sông nhỏ. Những dòng sông không chảy bao giờ]. Tiếng guitar rất buồn trong bản Jazz đã sắp cạn lời. Bài hát buồn rất buồn, anh ơi…

Cơn nhức đầu lúc nửa đêm kịp nhắc cho tôi về những người đàn ông tôi yêu. Họ là những người khiến tôi thấy mình trần trụi và hồn nhiên. Họ nâng đỡ tôi qua hết muộn mằn đau khổ. Họ là người của ngày xưa. Họ ra đi- tôi dửng dưng để mặc. Sự kiêu hãnh của nàng con gái đã ngăn trở tôi rất nhiều níu giữ. Tôi chỉ còn biết thương trong đau.

MĐ ạ, em cứ thương tiếc mãi chúng mình. Còn anh, sau những đêm ngày mê mải yêu đương, anh đã kịp dừng chân nơi hình dung xinh đẹp khác. Nếu em không quày quả đón lấy chuyến bay dài hai tiếng đồng hồ, nếu như em không nói rằng em nhớ anh, nhớ biết bao nhiêu lần trong đêm em bị bỏ rơi ngoài bậc cửa, hoặc nếu như trong khoảnh khắc nhìn thấy anh nơi cổng rêu Văn Miếu, em đừng quay nhìn dáng lưng vững chãi và kiểu phớt đời rất ngang ngược của anh… thì có lẽ, mọi thứ sẽ còn đẹp hơn yêu. Sẽ còn đẹp hơn yêu…

Tôi sẽ không nhắc đến BG ở đây. Mặc dù tất cả các messages từ anh vẫn còn nguyên vẹn. Anh là duy nhất.
Với anh, tôi không muốn so sánh hay bàn luận điều gì. Tôi mặc cho cảm xúc…
Rồi tôi sẽ nhớ đêm tôi thức trắng để nói cùng anh bao nhiêu thứ thế gian trần trụi. Bài thơ anh làm từ thuở nào gửi lại: Ngủ ngon nhé em thật hiền…
Anh không bao giờ biết, em đã sống những ngày ngọt ngào với ngọn gió phía đông. Anh không bao giờ biết…

Tình yêu đầu tiên tối hôm qua tìm gặp. Tình yêu thứ hai vẫn một mình đi về. Có người đang tương tư rằng: Hình như anh nhớ em…

Và. Tôi cô đơn kì lạ…

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Sao chẳng tới anh ơi...







Những ngày mưa sao chẳng tới anh ơi
Mây ướt trụi lối nồng nàn hoa sữa
Hà Nội hiền gục đầu vào thương nhớ
Phía ngõ về bối rối một vầng trăng

Những ngày mưa tha thiết gảy Romance
Anh biết đấy, lòng em nhiều vô hạn
Quảng Bá mùa này quên hoa doi nở muộn
Ta vẽ màu không biên giới đi anh

Thế còn em- nàng họa sĩ vô danh
Tung đám tóc xoăn mù khi chiều rơi vội vã
Em chờ gì nơi ngày xuân tàn tạ?
Một gác trống. Một guitar.
Một người mua thuốc lúc cảm lạnh.
Giản dị như anh.
Dư dả tiếng cười…

Những ngày mưa sao chẳng tới anh ơi
Khoảng cách chỉ tính bằng hai giờ trên không trung khi mùa thu trốn chúng mình từ lâu lắm
Chiều sân bay dẫu không người đưa đón
Em thương anh ngay trong giấc ngủ vùi…

Những ngày mưa sao chẳng tới anh ơi
“Lời hẹn thề như dòng sông nhỏ”
Thế chỉ còn em và ngày khác lạ
Cỏ vá trời- mây vá gió giêng hai
(Những lằn kim ngột ngạt màu ve chai
Hoàng hôn tía rũ người quên về lại…)

Em quay nhìn thành phố của riêng em
Thời gian yêu bỗng dưng hóa xám
Anh vội vàng bẵng quên màu năm tháng
Cọ vẽ nằm nghiêng phía chỗ mặt trời

Những ngày mưa sao chẳng tới anh ơi
Nỡ triệt tiêu thời gian yêu tồn tại?

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

GIẤC MỘNG LÀM THƠ


Giấc mơ đừng đánh thức thương yêu
Em ngoan nhé, cánh đồng vừa đi ngủ
Bãi xe bò hoang vu em đốt lửa
Vòng tròn xoay xô mộng mị qua đời

“Mẩu bánh- Cà phê- Bút vẽ - Nụ cười
Câu thơ hát những lời trong ánh sáng
Floramisu cớ gì quên thinh vắng?
Chuyện tình nào cũng thấp thoáng dòng sông

Ồn ào ơi, nhắc cây cầu phía đông
Giữa nơi ấy gió đôi dòng gặp gỡ
Vì đường xa hay lưng trời rạn đỏ
Sao khói dâng ngợp mắt chiều đầy?

Giấc mơ đời đâu giống những chuyến bay
Thiên di mải tung cánh về phía nhớ
Đâu kịp thấy con cừu sau thùng gỗ
Giới hạn mình trong trí nhớ ngủ say.

Ngủ ngoan nào, dòng thư viết trao tay
Cũng biết khóc cho người- quên- về- lại
Môi vun vén cho mùa- không- mãi- mãi
Em ngủ ngoan, đừng nhắc nữa những lời…”

Giấc mộng làm thơ
Giấc mộng qua đời
Dung dị như tiếng kệ “nam mô… đà phật”
Tràng hạt sóng soài sân si đời duy nhất:


Thành phố nằm nghiêng, mộng có nằm nghiêng?

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Thơ



Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Lưu Quang Vũ

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xoá nhoà hết những gì em hứa
Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa
Nắng không trong như nắng thủa ban đầu

Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu
Xoá cả dấu chân đi về thủa ấy
Gối phai nhạt mùi hương bối rối
Lá trên cành khô tan tác bay

Mưa cướp đi ánh sáng của ngày
Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ
Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ
Hạnh phúc con người mong manh mưa sa

Bản nhạc ngày xưa khúc hát ngày xưa
Tuổi thơ ta là nơi hiền hậu nhất
Dẫu đường đời lắm đổi thay khó nhọc
Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau

Riêng lòng anh anh không quên đâu
Chỉ sợ trời mưa đổi mùa theo gió
Cây lá với người kia thay đổi cả
Em không còn màu mắt xưa

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi…

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Letter


[Em thương cốc cà phê sáng
Theo lời yêu đương vỡ rồi…]





Có những nửa đêm như thế này này, bạn bất ngờ nhận ra sự dịu dàng trong cơ thể mình đã ngủ yên từ lâu lắm. Ở Sài thành xinh đẹp, bạn đã tìm được hết khỏang thời gian rơi vãi của mình chưa đấy? Ngày chạy với thời gian, bạn sợ cảm giác bị bỏ rơi biết chừng nào. Nên đuổi mãi, đuổi mãi... Nhiều khi bạn quên bẵng mình vẫn luôn cần tình yêu kiểu lứa đôi tuổi trẻ nữa cơ.

Con se sẻ tháng Giêng không biết hát lời đường mật nên ri rỉ cho bạn đồng dao Nu na nu nống. Bạn nằm ôm gối mải nghe Resistance với giọng gằn rất cô đơn. Còn ông già nhà bên đã lụ khụ ho thêm, vuốt mãi tấm lưng con mèo tam thể. Bạn đóan thấy hoa quỳnh và một ông sao đột nhiên chòang mắt. Thấy mình thèm đọc những dòng thư...

[Thư gói kèm mong nhớ chông chênh
Em thương lắm mái tóc dài mùa hạ
Quá khứ đi xa rơi quên lời từ tạ
Chữ vằn vèo trên chiếc lá đầu tiên ]

Đôi khi bạn ước mình mãi là trẻ con. Ngồi vắt vẻo trên lan can và đợi chờ mùa thu ngợp gió. Có thể bạn sẽ ngủ quên nơi ấy vì thời gian quá lâu hoặc mùa thu quá mỏng, nhưng chẳng hề gì... Bạn là trẻ con cơ mà.

Thậm chí ngay cả khi điều ước kia không được, bạn sẽ giữ gìn một góc trong mình mãi trong trẻo kiểu nhi đồng mầm- chồi- lá. Tiếng xúyt xoa. Tiếng khóc nấc. Tiếng cười rưng rức. Tiếng một tình yêu đi qua rất dịu dàng. Đôi cúc cu dưới vòm tổ vắng đang hát lời gì thế bạn? Có phải, Đời ta thanh xuân...
Một năm nào nhìn lại, bạn thấy mình đứng đấy và bình an vì mình không còn trẻ nữa nhưng tâm hồn mãi mãi non tơ.
Một năm nào nhìn lại, bạn sẽ thương mình hơn những ngày lặn lội và chờ đợi tình yêu. Như thời gian nay.

Từ nơi ngõ nhà vắng vẻ này, gã hàng xóm gảy mãi khúc Romance. Sự lãng mạn trở thành tấm áo hữu dụng cho sự cô đơn không lời nói hết.
Tôi nhận ra. Nhận ra…
Cửa sổ vẫn khoan thai đón mặt trời đều đặn hai mùa mưa nắng.
Con se sẻ vẫn đậu lại triền miên nơi gió về hồ hởi.
Thành phố xanh hơn thơ. Tờ thư yêu thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ n... nằm lại trong hộc gỗ ướp hương trầm. Bao năm tháng đó vẫn thơm mùa thương nhớ..

Nửa đêm.


Đó là những sự trở về từ nơi hồn nhiên đến chốn bình an. Tôi thường nhìn ra vuông cửa trong suốt xinh xẻo màu kính , bắt gặp lũ chim vội vàng lượn vòng trước hiên nhà. Đám sẻ con sống sót qua mùa phóng sinh nay ríu rít gọi chào bạn mới. Nhà thờ thản nhiên quay mặt về hướng đại lộ. Từ góc châu Âu này, tôi mải miết ngồi cà phê dưới bộ dạng màu đen. Chưa bao giờ nhìn thấy nắng thủy tinh. Chưa bao giờ gió xí xớn thổi bù tóc rối. Dưới những hàng me, thành phố là bài thơ, là con đường, là áo dài Văn khoa, là ngã tư đèn vàng vội vã. Mỗi đêm về, Trịnh vẫn hát kinh cầu thân phận. “Mỗi hẹn thề như dòng sông nhỏ...”. Đêm và những vì sao. Mãi mãi nhấp nháy như tiếng phổi reo trong lòng thành phố. Nơi hòn ngọc luôn tràn đầy năng lượng này, quá khứ ắt hẳn là vật báu để hiện tại hôm nay, lũ trẻ chúng tôi thay nhau làm ngày sống thêm nhiều tốt đẹp.
Tôi thích nhìn một Sài Gòn qua sự trở về như thế...





Biên Hòa là thành phố của mến thương. Viết sao cho vừa nhịp cầu xập xệ nắng mưa. Mình đứng lặng bên bờ sông, nghe sóng về ì oạp... Không dưng lại hồi nhớ cảm giác giản dị ngày xưa, cùng bạn rửa chén nơi bến nước. Tiếng vịt xáo xào. Tiếng cá quẫy đuôi gấp gáp. Tiếng hàng dừa buổi trưa chải đầu vào nắng. Bằng lăng tím biếc phơ phất phía trên cao. Hoa cũng hiểu lòng mình khi ấy...
Biên Hòa cứ thập cẩm kiểu tứ phương tám hướng thế nào. Ốc Vít tròn mắt ố á, phát hiện ra góc này giống Hà Nội, đọan kia hệt Lạng Sơn... Chưa kể con đường nảo nào khiến bạn liên tưởng đến quận Tân Bình... Bản thân thành phố mình đã đi qua quá nhiều hưng vong còn gì. Lối về Tam Hiệp mấy chục năm trước sầm uất và ồ ạt ánh sáng chẳng khác gì phố Sing. Nơi quán chè này, hồi xưa là chỗ thanh niên tuổi trẻ hò hẹn. Nổi tiếng lắm. Ngã ba Lido xập xình quán bar và sàn nhảy. Bên kia sông, làng nghề gốm sứ đêm ngày đỏ lửa, dâng nạp thứ men quí giá đất Cù Lao. Ba kể tôi nghe nhiều điều về thành phố, dẫn tôi qua di tích Nhà Xanh, đình miếu chùa chiền. Ba chỉ con phố ngày xưa mẹ ba hò hẹn, chỉ nơi bến đò ba đạp xe 20km thăm người yêu. Cô người yêu có mái tóc thiệt dài, sáng nào cũng chăm chỉ giặt đồ, rửa ấm trà và quét tước trong nhà ngoài ngõ. Ba ngồi ở quán cóc đối diện cổng nhà, vờ uống cà phê, nhưng mắt lén nhìn cái người bên kia sân vắng. Tôi nhìn thấy những bóng cây ngút mắt và nghe gió xào xạc xào xạc. Tình yêu hình như luôn giản dị.




Không hiểu vì sao, tôi thương những bản đồng quê nước Pháp. Và thương dân ca, thương ca dao tục ngữ Việt Nam mình... Đó là nơi tôi trở về từ những vội vàng không hứa trước. Thành phố đã tháng Giêng rồi cơ. Câu chuyện về đôi cúc cu dưới vòm tổ vắng. Singapore. Mỹ. Đan Mạch. Hà Lan. Vậy rằng dù qua bể rộng sông dài, đeo bám vào tôi là những khao khát trở về. Trong sự tĩnh lặng vô cùng của đời sống, tôi trở về. Trở về...

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010



Tôi nhận ra rồi. Đây là góc nhỏ bấy lâu tôi quên bẵng... Như tình yêu bị tôi ruồng bỏ hững hờ. Đừng giận nhé... Sẽ chăm sóc cho nhau nhiều hơn...