Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Từ "Những lá thư bay lên"

Xin phép, mình đặt tạm các lá thư (từ http://www.lethuydzung.blogspot.com) lại đây, để nhường đất viết nhiều hơn về chuyện "Làm sao kiếm tiền hoài hoài?" :)

Đôi dòng.

Lúc này là nửa đêm.

Mưa mùa hè líu ríu trên hàng hoa sữa đã bắt đầu tập toẹ mùi hương. Thứ ám ảnh kì lạ này làm tôi bị đau bụng. Thật ngộ, vấn đề của tâm lí chuyển đổi được sang rắc rối vè thể chất luôn đấy.

Có lẽ là quả đất nhỏ xíu này sẽ có một con mèo mê rock tới nghẹt thở.

Vừa mới đây nghe tin Bức Tường trở lại, và được thưởng thức vài bài The Green cover, bắt đầu thấy những tín hiệu lạc quan cho rock Việt.

Cơn nóng sốt làm tôi có cảm giác như mình là một con khủng long phun lửa. Và muốn hét lên ầm ĩ bài ca về cuộc đời, về tuổi trẻ, về thân phận con người và đôi câu về tình yêu chẳng hạn.

Náo động.

Người trong thành phố thường ngúng ngẳng khi mưa hè xôn xao xôn xao. Bắt lấy chuyến bus về với thị trấn và con đường hai hàng cây xanh rì rì lá. Thôi đành vậy với lòng này...

Người nghệ sĩ mê mải hát từ dạo cùng ngồi với nhau bên vỉa hè cà phê. Cậu kể cho mình nghe những bài ca từ "Chàng gù ở nhà thờ Đức Bà" đến "Cuộc sống thành thị". Bắt đầu là âm nhạc, sau đến ngôn từ, rồi cái nhíu mày, mím môi, bật giọng, cổ ngân nga, nghệ thuật hiển hiện trong tôi như một thánh đường không biên giới, không khổ đau, không cả những mất mát và tị hiềm. Mắt tôi ngước về phía lũ chim sẻ đang huênh hoang về mùa hè và những cơn mưa. Và bỗng nhiên tin vào điều chàng nghệ sĩ hát: Chúng ta, rốt cuộc, cũng chỉ là những kẻ cô đơn.

"Hoàng tử Bé" thường là cách để tôi thanh lọc lại lòng này. Nhớ bông hồng và con rắn. Chúng quẫy trong giấc mơ tôi về những định mệnh gặp gỡ không nói trước. Nhưng hết thảy đều không thể vắng thiếu trong cuộc đời mình. Để một lúc nào đấy, khi tôi ngồi dựa lưng bên gốc xà cừ vội vàng tiếng lá, gật đầu chấp thuận: Mình, rốt cuộc, cũng là một kẻ cô đơn.

Khi dẫn cậu đi trên đường Nguyễn Du, tôi ca lên ầm ĩ bài hát về một thời say mê: "Có tự bao giờ hàng me xanh ngắt mà nay đứng đó cho em làm thơ?". Rồi không hiểu được lòng mình dung dăng dung dẻ nên tôi mạo muội hát cùng nghệ sĩ "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa". Nghệ sĩ cười, ù té chạy.

Bồng nhiên tôi nhớ Hà Nội và phố Đinh Lễ. Dọc dài con đường chúng tôi đã bước đi cùng nhau, lề phố in giúp tôi dáng người vững chắc của tuổi trẻ và bình yên, tôi bằng lòng với cuộc trường chinh nhiều hứa hẹn phía trước. The principle of reasons. Hoa hồng nở vì nàng ấy nở. Và mọi điều vốn thế sinh ra.

Thường thì vẫn thế. Con người sao trốn tránh được nỗi cô đơn, nhất là tuổi trẻ. Nên đành vậy, chúng ta cần đối mặt với chính nó trong sâu thẳm lòng mình. Có khó gì đâu? Hất mặt và nheo mắt xem nào. Rồi khi mùa hạ cuối cùng qua đi, tiếng hát nằm lại bên bờ hồ ngập đầy xác hoa sen trắng, chúng ta lại tìm thấy nhau trên nẻo đường này.

Và cảm giác một ngày nào đó, chúng ta bất ngờ nhận ra nhau mới thật xúc động chứ! Tim đang rưng này. Mắt đang biếc này. Và tiếng hát, tiếng hát nữa, sẽ vút qua ngọn me đường Nguyễn Du trôi về phía Nhạc viện. Cuối con đường đó, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau.

P/S: Xin cám ơn cuộc đời với những chặng đường thú vị. Con người thú vị. Và khoảnh khắc tim rung lên cũng là lúc tôi ý thức được mình cần được chở che và yêu thương xiết bao. Tôi thật người biết bao. Và nàng con gái trong tôi đã dóng lên nhu cầu đòi hỏi được chăm chút và lo lắng cho người khác. Xin bắt đầu bằng chuyện viết những lá thư. Những lá thư không đề tên tuổi. Để gửi đến vô cùng niềm thương mến. Và mọi điều vốn thế sinh ra.

Chuyện cuốn phim cuộc đời.

Sau khi đọc được "Thư gửi cho người thi sĩ trẻ tuổi" của nhà thơ Đức (không nhớ nổi tên), tôi nhận ra rằng, ngôn ngữ không nên chỉ trưng dụng cho chuyện tình yêu đôi lứa đơn thuần. Hãy để nó nói lên những điều nằm sâu trong chuyện kể. Một mạch máu đang sưng. Một tiếng ly bị vỡ đôi và nằm khóc thút thít trên sàn nhà. Hay một tiếng hắt hơi nhắc người đừng quên bẵng chẳng hạn.

Khi cuộc sống là một buổi chiếu phim màn ảnh rộng. Giờ khai màn được đánh dấu bằng tiếng khóc của những thiên thần Cơm Nguội lơ hươ ngón tay như mẩu bút chì con con béo ị. Chúng ta phải lịch sự bắt chuông điện thoại và những dụng cụ gây nên tiếng động trong thời gian thưởng thức tác phẩm kinh điển của cuộc đời. Đến cả tiếng cười rính rích trong đêm thanh vắng cũng vậy, cần được giấu nhẹm sau vệt khăn mùi soa thêu viền chỉ tím. Nhớ nhé, đừng gây tiếng động và làm chuyện riêng.

Thành phố mùa hè có những chuyện rất điên. Người yêu nhau bỗng dưng trốn biệt nên công viên như thế giới không người. Nó làm tôi đứng ngồi không yên ả. Mùa hè ơi, đến bao giờ bao giờ... Nơi góc cây rất xanh này, một cô bé Cơm Nguội ra đời làm cả rạp phim cuộc đời vỡ oà sung sướng. Loài người vui hưởng niềm hạnh phúc lớn lao. Thành phố mùa hè không kể chuyện thanh tao. Ngộ nhỉ? Thế mà vẫn khối kẻ tin vào những triết lí hạnh phúc hai chân nghiêng xẹo vẹo. Chẳng cần biết đâu, cô em của tôi ơi, hãy khoác lấy giỏ đeo và ôm chặt vào ngực ấy, mình xông pha vào cuốn phím đang quay dở.

Chuyện cũ lâu rồi không nhớ nữa.

(...)

Sao tìm được nắng
Trong thơ anh cười?
Sao nhìn thấy gió
Nơi tay em rơi?

Nước Mĩ nước Mĩ
Mùa đông xám màu
Tay anh ướt lạnh
Có tìm được nhau

Sài Gòn tháng chạp
Váy hoa em nhàu
Thương anh em viết
Những lời thâm sâu

Tình yêu như nến
Đỏ suốt đêm hè
Một hôm đường đột
Bỏ đi không về

(...)

Chẳng hiểu sao tôi quan tâm nhất phần thân bài của mỗi câu chuyện kể. Khoan hãy nói về mở đầu nhé. Kết thúc lại càng nên giữ trong thinh lặng. Vì biết đâu, trong khi bạn kể tôi nghe câu chuyện của mình, diều cuối cùng nhờ thế mà biến chuyển đi ngàn vạn lần phương hướng.

Lời thư tôi viết dông dài.



Sài Gòn đã vào những ngày hè. Thi thoảng thành phố đột ngột những cơn mưa. Nhẹ thôi nên chẳng kịp làm ai ướt mắt. Tiếng cười vụt nhảy từ tầng lầu cao vút xuống mặt đường. Phía cao ốc An Thịnh, mặt sông Sài Gòn cứ duềnh dọc ngang những nhớ và mong mùa gió chướng. Mùa hè thật lạ. Em thường đứng chỗ giao lộ ngược gió. Và ngước mắt nhìn về phía Đông.

Em dặn mình: Hãy cứ bình tĩnh. Vì một phút giây nào đó em tỉnh giấc, vì một quãng đời nào đấy ta chưa gặp nhau, vì cuộc đời thường để mình đứng đợi rất lâu, rất thê lê và dông dài nhung nhớ. Em không thoát được nỗi âm ảnh về chuyện có thể mình từng là một con chim gõ kiến béo lăn quay, thường lọc cọc đâm mỏ mình vào thân cây sối những khi mùa xuân đến. Hoặc đôi lúc, em chạy theo công việc thật nhanh theo lối cuồng vội vì sợ mình sẽ không kịp với thời gian đời mình.

Bà nghệ sĩ già hằng đêm vẫn mang violon đến quán cà phê, ngồi kéo lên dạ khúc về một thời thanh niên sôi nổi. Người mẹ già hằng đêm vẫn lụi cụi mở cổng, hỏi con mệt không, chiều mưa đường đột có ướt mèm không đấy? Và tình yêu đôi lứa nữa chứ. Đã ngủ quên trong ngôi nhà của hai người nghệ sĩ già từng lâu. Mỗi sớm tối đi về, em trông thấy hai tâm hồn bị thần Ái tình quên lẵng. Họ ủ ấp cho nhau bằng một thứ tình êm ả khác. Và thật lạ, họ sống, chỉ sống vì ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Sài Gòn đã khác rất nhiều so với hồi em mười bảy. Hãy cứ bình tĩnh. Mọi thứ đều có giá trị của nó. Ngay cả giấc mơ làm chim gõ kiến, hay ngôi nhà hai nghệ sĩ già. Tin tôi đi. Hãy bình tĩnh bình tĩnh...

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Chuyện ra đi- trở về.



Người ta thường nói nhiều đến chuyện trở về- ra đi của lớp người trẻ ở xứ Biên Hoà- Gia Định cũ này. Bao nhiêu thương mến của quãng đời tôi gắn bó với Biên Hoà làm lòng không thể đặng đừng viết những dòng này cho được. Mơ hồ trong chuyến đi xa- không trở về nào đấy là sự lãng quên những góc đường, những ô cửa nhỏ ngày mưa, những binh biến đi qua thành phố mòn vẹt. Và giữa biết bao nhiêu lựa chọn của ngày sống, người ta nhớ nhau đã khó, huống hồ gì là nhớ quán chè 334, nhớ Cù lao phố tấp nập mua bán, nhớ Tam Hiệp rực rỡ đèn màu, nhớ những mùa Noel thanh niên tràn ra ngõ phố. Cứ thế, họ hài lòng cho sự lãng quên, có cớ cho sự không nhớ không thương của chính mình.

[còn dang dở]